Năm 1938, nhà cách mạng vĩ đại người Nga Leon Trotsky đã tuyên bố rằng "cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử của nhân loại đã quy về thành cuộc khủng hoảng về lãnh đạo cách mạng". Tới nay, những lời này vẫn còn nguyên tính chân lý và cấp thiết của nó.
(Để xem dưới dạng PDF, vui lòng nhấn vào đây để tải xuống)
(Để tải xuống phiên bản dành cho Kindle, vui lòng nhấn vào đây)
Trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, hệ thống tư bản chủ nghĩa đã rơi vào cuộc khủng hoảng mang tính sinh tồn. Điều này vốn không hề đáng ngạc nhiên và đã được chứng minh trong lịch sử. Đây là minh chứng của một sự thật, rằng, một hệ thống lịch sử - xã hội đã đạt đến giới hạn của chính nó, và không còn đóng bất kỳ vai trò tiến bộ nào trong lịch sử của nhân loại.
Lý thuyết Marxist về chủ nghĩa duy vật lịch sử đã cho ta một lời giải thích khoa học cho hiện tượng này. Mọi hình thái kinh tế xã hội được sinh ra với một nhiệm vụ lịch sử nhất định. Nó phát triển, hưng thịnh, sau đó đạt đến đỉnh điểm, tại thời điểm đó nó bước vào giai đoạn suy vong. Đây là trường hợp của xã hội nô lệ và sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã.
Trong đỉnh cao của nó, chủ nghĩa tư bản đã thành công trong việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp, khoa học và kỹ thuật đến một mức độ chưa từng thấy so với các thời kì trước. Nhưng cũng chính vì thế, nó đã vô thức thiết lập bên trong mình nền tảng vật chất cho một xã hội không giai cấp trong tương lai.
Giờ đây chủ nghĩa tư bản đã đạt cực hạn của nó, và sự phát triển này đang trên đà đảo ngược. Hệ thống tư bản chủ nghĩa từ lâu đã cạn kiệt tiềm năng lịch sử. Nó không còn có thể đưa xã hội đi xa hơn, giờ đây nó đã đạt đến điểm chững lại.
Cuộc khủng hoảng hiện nay không phải là một cuộc khủng hoảng theo chu kỳ bình thường của chủ nghĩa tư bản. Đó là một cuộc khủng hoảng mang tính sinh tồn, biểu hiện bởi sự trì trệ của lực lượng sản xuất, cùng với đó là một cuộc khủng hoảng toàn diện về văn hóa, đạo đức, chính trị và tôn giáo.
Vực thẳm ngăn cách người giàu và người nghèo - giữa sự giàu có đến ghê tởm của một đám ký sinh, và sự nghèo đói, cơ cực và tuyệt vọng của đại đa số nhân loại - đã đạt đến một khoảng cách chưa từng có.
Đây là những triệu chứng mang tính biến chuyển của một xã hội bệnh hoạn đã mục nát, mà sự sụp đổ của nó đã đến thời chín muồi. Sự sụp đổ triệt để của cái xã hội bệnh hoạn này là chắc chắn và không thể tránh khỏi. Tuy vậy, trong tương lai gần điều này không đồng nghĩa là giai cấp tư sản không có các phương tiện để trì hoãn các cuộc khủng hoảng hoặc giảm tác động của chúng, ít nhất là ở một mức độ nhất định về ngắn hạn.
Dù vậy, những biện pháp chữa cháy kiểu vậy sẽ luôn chỉ tạo ra những mâu thuẫn mới và không thể giải quyết nguồn cơn vấn đề một cách triệt để. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một bước ngoặt lớn. Sự thật là chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã chưa bao giờ phục hồi lại từ cuộc khủng hoảng đó.
Trong nhiều thập kỷ, các nhà kinh tế tư sản lập luận rằng "bàn tay vô hình của thị trường" sẽ giải quyết mọi thứ và chính phủ không nên can thiệp vào đời sống kinh tế của đất nước. Oái oăm thay, bàn tay vô hình đã không thể ngăn được sự sụp đổ toàn cục của thị trường nếu không có sự can thiệp khổng lồ của các chính phủ tư bản. Trong cuộc khủng hoảng đó, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã tích cực bơm nguồn tài chính khổng lồ vào hệ thống để ngăn chặn một thảm họa toàn diện.
Giai cấp tư sản đã thành công trong việc cấp ống thở cho cái hệ thống này chỉ bằng cách kéo dãn giới hạn tự nhiên của chính nó. Chính phủ các nước đã chi một ra nguồn tiền khổng lồ mà họ không hề sở hữu. Kế sách liều lĩnh này đã được lặp lại trong đại dịch COVID-19.
Những biện pháp tuyệt vọng này đã dẫn đến sự bùng nổ lạm phát không kiểm soát được và tạo ra mức nợ công, nợ doanh nghiệp và nợ tư nhân khổng lồ, buộc các chính phủ phải đạp phanh và đảo ngược toàn bộ quá trình.
Thời đại của lãi suất cực thấp và tín dụng tràn trề đã trở thành một ký ức mờ nhạt của quá khứ. Hoàn toàn không có triển vọng nào cho việc quay trở lại quá khứ này.
Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với viễn cảnh của một cơn cuồng phong, phản ứng chuỗi có thể xảy ra, trong đó một nhân tố trong hệ thống có thể tác động đến các nhân tố khác để tạo ra một vòng xoáy của sự sụp đổ.
Thế giới đang hướng tới một tương lai đầy bất ổn, mà điểm đặc trưng là những chu kỳ chiến tranh bất tận, sự sụp đổ kinh tế và sự khốn khổ ngày càng tăng. Ngay cả ở những quốc gia giàu có nhất, tiền lương cũng không còn có thể đảm bảo cuộc sống bởi lạm phát chóng mặt, trong khi việc cắt giảm sâu chi tiêu công liên tục bào mòn các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
Những biện pháp này là đòn tấn công trực tiếp vào mức sống của người lao động và của tầng lớp trung lưu. Nhưng chúng chỉ khiến cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng hơn. Tất cả những nỗ lực của giai cấp tư sản để khôi phục lại trạng thái cân bằng kinh tế sẽ chỉ phá hủy sự cân bằng xã hội và chính trị. Giai cấp tư sản nhận thấy mình bị mắc kẹt trong một cuộc khủng hoảng không hồi kết. Đây là chìa khóa để hiểu tình hình hiện tại.
Tuy nhiên, Lenin đã giải thích từ lâu rằng không có cái gọi là cuộc khủng hoảng cuối cùng của chủ nghĩa tư bản. Trừ phi nó bị lật đổ (một cách có chủ đích từ giai cấp công nhân), bằng không hệ thống tư bản chủ nghĩa sẽ luôn phục hồi ngay cả từ những hố sâu nhất của giai đoạn khủng hoảng, mặc dù cái giá phải trả sẽ rất khủng khiếp cho nhân loại.
Giới hạn của toàn cầu hóa
Nguyên nhân chính của các cuộc khủng hoảng tư bản chủ nghĩa, một mặt, là do sở hữu tư nhân đối với các phương tiện sản xuất, và mặt khác, là bởi sự bó hẹp ngột ngạt của thị trường quốc gia, vốn quá hẹp để bao trọn các lực lượng sản xuất mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra.
Tới một thời gian nhất định, sự xuất hiện của một hiện tượng được gọi là "toàn cầu hóa" - là thứ cho phép giai cấp tư sản khắc phục một phần giới hạn của thị trường quốc gia thông qua việc thúc đẩy thương mại thế giới và tăng cường phân công lao động quốc tế.
Tiến trình này đã được đẩy nhanh hơn nữa bởi sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ và Nga vào thị trường thế giới tư bản, sau sự sụp đổ của Liên Xô. Đây là nền tảng chính giúp hệ thống tư bản chủ nghĩa tồn tại và phát triển trong vài thập kỷ qua.
Hệt như các nhà giả kim cổ đại tin rằng họ đã khám phá ra phương pháp bí mật để biến đổi kim loại thường thành vàng, các nhà kinh tế tư sản cũng tin rằng họ đã khám phá ra phương thuốc bí mật để giải quyết tất cả các vấn đề của chủ nghĩa tư bản.
Bây giờ những ảo ảnh này đã nổ tung như bong bóng xà phòng trong không khí. Rõ ràng quá trình này đã đạt đến giới hạn của nó và đang thoái trào. Chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế và các chính sách bảo hộ mậu dịch hiện đang là xu hướng thống trị nền kinh tế toàn cầu - đây chính là nguyên nhân biến cuộc suy thoái của những năm 1930 thành cuộc Đại suy thoái.
Điều này đánh dấu một bước ngoặt mang tính quyết định trong tình hình toàn cục. Bảo hộ mậu dịch đã trầm trọng hoá và phóng đại những mâu thuẫn giữa các quốc gia và sự gia tăng của xung đột quân sự và chủ nghĩa bảo hộ.
Đã có những biểu hiện hết sức rõ ràng, đó là chiến dịch tranh cử đầy tai tiếng đang được tiến hành bởi đế quốc Mỹ dưới khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết!". "Nước Mỹ trên hết" có nghĩa là phần còn lại của thế giới phải bị đẩy vào vị trí thứ hai, thứ ba hoặc thứ tư, dẫn đến mâu thuẫn, chiến tranh và chiến tranh thương mại.
Cơn ác mộng không có hồi kết
Cuộc khủng hoảng được biểu hiện trong những bất ổn ở mọi lĩnh vực: kinh tế, tài chính, xã hội, chính trị, ngoại giao và quân sự. Ở các nước nghèo, hàng triệu người đang phải đối mặt với cái chết dần chết mòn vì đói, bị siết chặt bởi sự kìm kẹp không thương tiếc của lũ chủ nợ đế quốc.
Liên Hợp Quốc ước tính vào tháng 6/2023 rằng số người buộc phải di dời do chiến tranh, nạn đói và tác động của biến đổi khí hậu đã ở mức 110 triệu người - tăng mạnh so với mức trước đại dịch. Đây là số liệu thống kê trước cuộc chiến ở Gaza.
Trong một nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi những sự bất ổn kinh hoàng này, một số lượng lớn người buộc phải chạy trốn sang các quốc gia như Mỹ và Châu Âu. Họ buộc phải dấn thân vào các cuộc hành trình khó khăn và nguy hiểm để vượt Địa Trung Hải hoặc Rio Grande và phải chịu đựng nguy cơ bạo lực và lạm dụng không thể kể xiết trên đường đi. Đã có hàng chục ngàn người chết mỗi năm trên những cuộc hành trình này.
Đây là những hậu quả khủng khiếp của sự sụp đổ kinh tế và xã hội, gây ra bởi cái gọi là nền kinh tế thị trường tự do, và những hành động bạo lực của chủ nghĩa đế quốc đã đưa đến sự tàn phá, chết chóc và hủy diệt trên quy mô không thể tưởng tượng được.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ đã có một thời gian trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Sức mạnh khổng lồ đi kèm sự kiêu ngạo khổng lồ. Đế quốc Mỹ áp đặt ý kiến của mình lên khắp mọi nơi, sử dụng sự kết hợp giữa sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự để khuất phục bất kỳ quốc gia nào từ chối quỳ gối trước Washington.
Sau khi nắm quyền kiểm soát vùng Balkan và các khu vực có ảnh hưởng khác của Liên Xô cũ, đế quốc Mỹ đã phát động một cuộc xâm lược tàn ác và vô cớ vào Iraq, gây ra cái chết của hơn một triệu người. Cuộc xâm lược Afghanistan là một thảm kịch đẫm máu khác. Không ai ước lượng được bao nhiêu sinh mạng đã bị tước đoạt trong vùng đất bất hạnh đó.
Nhưng giới hạn sức mạnh của Mỹ đã bị phơi bày ở Syria, nơi người Mỹ phải chịu thất bại do sự can thiệp của Nga và Iran. Điều này đánh dấu một sự thay đổi đột ngột trong thế cục. Kể từ thời điểm đó trở đi, đế quốc Mỹ đã phải chịu nhục nhã hết thất bại này đến thất bại khác.
Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản. Vào thế kỷ 19, đế quốc Anh có được sự thịnh vượng kếch sù với vai trò là cường quốc thống trị thế giới khi ấy. Nhưng tình thế giờ đây đang đảo chiều[1].
Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản và những mâu thuẫn ngày càng tăng giữa các quốc gia đang làm cho thế giới trở thành một nơi hỗn loạn và nguy hiểm hơn nhiều so với thuở ấy. Trở thành lực lượng sen đầm của thế giới[2] là một công việc ngày càng phức tạp và tốn kém, với rắc rối bùng lên ở khắp mọi nơi và các đồng minh cũ, khi cảm nhận được sự yếu đuối này, đang tập hợp để chống lại tên sen đầm trùm.
Đế quốc Mỹ là thế lực phản động mạnh nhất hành tinh. Chỉ riêng chi tiêu quân sự của Mỹ đã ngang với tổng chi tiêu quân sự của mười quốc gia xếp sau nó. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ hoàn toàn không thể áp đặt ý chí của mình ở mọi nơi trên thế giới.
Sự tàn ác lạnh lùng của đế quốc Mỹ, và cả sự đạo đức giả ghê tởm của nó, đã được phơi bày rõ ràng bởi những sự kiện khủng khiếp ở Gaza. Mỹ, cùng với thể chế Israel quái thai, đã tích cực tham gia vào việc thảm sát tàn bạo nhắm vào hàng triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội.
Tội ác chiến tranh xâm lược này sẽ không thể kéo dài dù chỉ một ngày nếu không có sự hỗ trợ tích cực của bè lũ cầm quyền Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong khi nhỏ những giọt nước mắt cá sấu vờ than thân khóc phận cho nạn nhân, Washington vẫn tiếp tục gửi vũ khí và tiền bạc để hỗ trợ Netanyahu tiếp tục hành vi đồ tể của mình.
Tuy nhiên, điều nổi bật nhất chính sự bất lực hoàn toàn của Washington trong việc buộc Israel làm theo lợi ích của Mỹ. Dù họ có giật dây đến đâu, con búp bê này vẫn tiếp tục nhảy theo giai điệu của riêng mình. Đây là một dấu hiệu rất rõ ràng về sự suy giảm sức mạnh của Mỹ, và không chỉ ở Trung Đông.
Khả năng để một quốc gia thống trị được các quốc gia khác không phải là tuyệt đối, mà là tương đối. Tình thế không tĩnh,mà luôn chuyển động và biến đổi mọi lúc. Lịch sử cho thấy rằng các quốc gia trước đây từng lạc hậu và bị áp bức có thể biến thành các quốc gia hung hăng quay lưng lại với các nước láng giềng và trở thành thế lực thống trị và áp bức các quốc gia đó.
Ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những cường quốc đóng vai trò đế quốc trong khu vực Trung Đông. Mặt khác, Nga và Trung Quốc, sau khi bước vào con đường tư bản chủ nghĩa, đã thể hiện mình là những thế lực đế quốc đáng gờm trên phạm vi toàn cầu. Điều này đưa chúng vào cuộc xung đột trực tiếp với đế quốc Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc và Nga chưa có được mức độ sức mạnh kinh tế và quân sự như Mỹ, nhưng hai thế lực này đã trỗi dậy trong vai trò là những đối trọng mạnh mẽ, thách thức Washington trong cuộc tranh đấu toàn cầu về thị trường, phạm vi ảnh hưởng, nguyên liệu thô và đầu tư sinh lời. Các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza đã cung cấp những bằng chứng tai nghe mắt thấy về giới hạn sức mạnh của đế quốc Mỹ.
Trong quá khứ, những căng thẳng hiện tồn sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn lớn giữa các cường quốc. Tuy vậy, những biến chuyển thời cuộc trong hiện tại chưa cho phép khả năng này xảy ra.
Các nhà tư bản không tiến hành chiến tranh vì lòng yêu nước, dân chủ, hoặc bất kỳ lý do cao cả nào khác. Họ tiến hành chiến tranh vì lợi nhuận, để chiếm thị trường nước ngoài, các nguồn nguyên liệu thô (như dầu mỏ) và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Điều đó chẳng phải rất rõ ràng sao? Một cuộc chiến tranh tổng lực bằng hạt nhân sẽ không tạo điều kiện để nhà tư bản đạt được những mục đích này, mà sẽ chỉ dẫn tới sự hủy diệt lẫn nhau của cả hai bên? Họ thậm chí đã đặt ra một cụm từ để mô tả kịch bản này: MAD (Viết tắt cho "Đảm bảo hủy diệt lẫn nhau" - còn có nghĩa là "điên" theo tiếng Anh)[3].
Một yếu tố quyết định khác ngăn cản chiến tranh trực tiếp giữa các thế lực đế quốc chính là sự phản đối chiến tranh mạnh mẽ từ quần chúng, đặc biệt (nhưng không chỉ) ở Hoa Kỳ. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ có 5% dân số Mỹ ủng hộ can thiệp quân sự trực tiếp vào Ukraine.
Điều này hoàn toàn không đáng ngạc nhiên bởi những thất bại nhục nhã Mỹ phải chịu ở Iraq và Afghanistan đã được ghi sâu vào ý thức của người dân Hoa Kỳ. Điều này, cộng với lo ngại rằng một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga có thể leo thang tạo ra nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đóng vai trò lớn trong việc ngăn cản chiến tranh.
Mặc dù một cuộc chiến tranh toàn cầu không có khả năng xảy ra trong điều kiện hiện tại, sẽ có nhiều cuộc chiến tranh quy mô "nhỏ" và chiến tranh ủy nhiệm như ở Ukraine. Những cuộc chiến tranh này sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn tới thế cục toàn cầu. Đây là yếu tố gia tăng thêm sự bất ổn toàn cục và khiến thế giới trở nên hỗn loạn trong thời gian rất ngắn sắp tới. Các sự kiện ở Gaza là bằng chứng rất rõ ràng cho điều này.
Tương lai mà hệ thống này mang lại chỉ có thể là một tương lai đầy đau khổ, bệnh tật, và chiến tranh vô tận cho loài người. Theo lời của Lenin: "Chủ nghĩa tư bản là cơn ác mộng không có hồi kết."
Khủng hoảng dân chủ tư sản (Crisis of bourgeois democracy)
Các điều kiện kinh tế trong giai đoạn tới sẽ gần với những năm 1930 thay vì những năm sau Thế Chiến Hai. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu nền dân chủ tư sản có còn tồn tại nguyên vẹn trong tương lai gần?
Trên thực tế, dân chủ là độc quyền của một vài quốc gia may mắn giàu có, nơi chiến tranh giai cấp có thể được giữ trong một mức chấp nhận được thông qua những nhượng bộ với giai cấp công nhân.
Đây là tiền đề vật chất giúp cái gọi là dân chủ ở các nước như Hoa Kỳ và Anh có thể được duy trì trong nhiều thập kỷ. Các đảng Cộng hòa và Dân chủ, Bảo Thủ và Lao động, luân phiên lên nắm quyền, mà không tạo ra bất kỳ khác biệt cơ bản nào.
Trong thực tế, dân chủ tư sản chỉ là một mặt nạ biết cười - một sự lừa dối mà thực tế đằng sau là sự độc tài của các ngân hàng và các tập đoàn lớn. Đến lúc giai cấp thống trị không thể tiếp tục nhượng bộ với quần chúng được nữa, cái mặt nạ này được ném sang một bên, để tiết lộ thực tế xấu xí: sự cai trị bằng bạo lực và đàn áp. Điều này đang ngày càng trở nên rõ ràng.
Thị trường tự do được cho là yếu tố bảo đảm cho nền dân chủ. Nhưng dân chủ và chủ nghĩa tư bản là hai mặt đối lập. Các chiến lược gia của Tư bản hiện đang công khai bày tỏ nghi ngờ về khả năng tồn tại của nền dân chủ tư sản và tương lai của chính chủ nghĩa tư bản.
Thứ huyền thoại cũ kỹ mang tính an ủi rằng mọi công dân đều có cơ hội bình đẳng, giờ đây đã bị phá vỡ bởi sự tương phản rõ rệt giữa sự giàu có tục tĩu và xa xỉ được phô trương trắng trợn trên một biển khổ của nghèo đói, thất nghiệp, tình trạng vô gia cư và sự tuyệt vọng, ngay cả ở các quốc gia giàu có.
Tình trạng suy thoái kinh tế ngày càng sâu sắc hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến tầng lớp lao động mà còn ảnh hưởng đến một phần đáng kể của tầng lớp trung lưu. Những cú sốc kinh tế, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, lạm phát tăng vọt và lãi suất ngày càng tăng báo hiệu sự phá sản cho các doanh nghiệp nhỏ. Sự bất an và nỗi lo sợ về tương lai ở tất cả các tầng lớp xã hội đang gia tăng, ngoại trừ giới siêu giàu và đám thuộc hạ của chúng.
Sự chính danh của chế độ hiện thời đáng ra nên dựa trên nền tảng là sự thịnh vượng chung của toàn xã hội. Nhưng thay vào đó của cải và tư bản ngày càng tập trung vào tay một vài tỷ phú, các ngân hàng và đại tập đoàn.
Thay vì dân chủ, ta có sự cai trị của một chế độ tài phiệt, mà thậm chí còn chẳng thèm che giấu sự cai trị của chính nó nữa. Sự giàu có mua được mọi thứ quyền lực. Ai cũng biết điều này. Dân chủ có nghĩa là mỗi công dân một phiếu bầu. Nhưng chủ nghĩa tư bản có nghĩa là mỗi đô la bằng một phiếu bầu. Vài tỷ đô la sẽ mua được vé vào Nhà Trắng.
Thực tế này ngày càng trở nên rõ ràng đối với quần chúng. Ta thấy một sự thờ ơ ngày càng tăng đối với trật tự chính trị hiện có, và sự ngờ vực - mà trên thực tế là sự căm ghét - đối với giới cầm quyền và các thể chế của nó.
Quyền lực của nghị viện đang bị xói mòn. Các cơ quan dân cử bị biến thành những chỗ bàn luận rỗng tuếch, trong khi quyền lực thực sự chuyển từ Quốc hội sang Nội Các, từ Nội Các đến đám bè lũ quan chức và 'cố vấn viên' không qua bầu cử.
Lời nói dối trơ trẽn rằng cảnh sát và tư pháp có sự độc lập chính trị đang được phơi bày cho toàn dân thiên hạ. Khi đấu tranh giai cấp nóng lên, bộ mặt thật của các cơ quan này sẽ ngày càng bị phơi bày, và sẽ dần mất đi bất kỳ sự tôn trọng hay thẩm quyền nào mà chúng có thể đã từng nắm giữ.
Cuối cùng, giai cấp tư sản sẽ rút ra kết luận rằng có quá nhiều sự rối loạn, quá nhiều cuộc đình công và biểu tình, quá nhiều sự lộn xộn. "Chúng tôi yêu cầu trật tự!" Chúng ta đã thấy những hạn chế được đặt ra đối với các quyền dân chủ, chẳng hạn như quyền biểu tình, quyền đình công, tự do ngôn luận và báo chí.
Ở một giai đoạn nhất định, giai cấp tư sản sẽ bị mê hoặc bởi cám dỗ sử dụng các biện pháp độc tài thực sự, theo cách này hay cách khác. Nhưng viễn cảnh này chỉ có thể trở thành hiện thực sau khi giai cấp công nhân đã phải chịu một loạt thất bại nặng nề, ví dụ như trường hợp ở Đức sau Thế chiến thứ nhất (với sự trỗi dậy của phát xít Đức).
Nhưng trong một thời gian dài trước đó, giai cấp công nhân sẽ có nhiều cơ hội để đánh giá sức mạnh của mình chống lại nhà nước tư sản, và tiến tới việc giành chính quyền vào tay mình.
Về nguy cơ chủ nghĩa phát xít
Những thành phần ngây thơ ưa phóng đại trong phổ "cánh tả quốc tế" coi chủ nghĩa Trump là chủ nghĩa phát xít. Sự nhầm lẫn như vậy không thể giúp chúng ta nắm bắt được bản chất thực sự của các hiện tượng quan trọng.
Sai lầm này trực tiếp đẩy họ vào vũng lầy của các chính sách thoả hiệp giai cấp. Bằng cách thúc đẩy tư tưởng sai lầm về "kẻ ác ít hơn" (lesser evil), họ mời gọi giai cấp công nhân và các tổ chức công nhân đoàn kết cùng chiến tuyến với phe phản động của giai cấp tư sản chống lại một phe phản động khác, cũng của giai cấp tư sản.
Chính đường lối sai lầm này đã khiến họ thúc đẩy cử tri ủng hộ Joe Biden[4] và đảng Dân chủ - một lá phiếu mà nhiều người sau đó đã cay đắng hối hận.
Việc ra rả liên tục về nguy cơ được phóng đại của "chủ nghĩa phát xít" kiểu này này sẽ chỉ làm cấp công nhân trở nên nhu nhược và phân tâm khi phải đối mặt với sự hình thành của chủ nghĩa phát xít thực sự trong tương lai. Trong thời điểm hiện tại, những ý kiến này là hoàn toàn sai lầm.
Có rất nhiều kẻ mị dân cánh hữu ở khắp nơi, và một số thậm chí còn được bầu lên nắm quyền. Tuy nhiên, điều đó không thể hiện cho sự trỗi dậy của chế độ phát xít, thứ vốn dựa trên việc lợi dụng sự phẫn nộ của quần chúng tiểu tư sản để chĩa mũi giáo và phá hủy các tổ chức của công nhân.
Trong những năm 1930, những mâu thuẫn trong xã hội đã được giải quyết trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, và chỉ có thể kết thúc bằng chiến thắng của cách mạng vô sản, hoặc phản cách mạng dưới hình thức chủ nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa Bonapart.
Trong quá khứ, giai cấp thống trị đã chịu thiệt hại nặng nề khi chống lưng cho những kẻ phát xít. Chúng sẽ không lựa chọn lại con đường đó một cách dễ dàng trong thời điểm hiện tại.
Quan trọng hơn, ngày nay, một giải pháp nhanh chóng như vậy sẽ bị loại trừ bởi sự thay đổi trong cán cân lực lượng. Thành phần xã hội của phe phản động hiện tại yếu hơn nhiều so với tình tế những năm 1930, và giờ đây sức mạnh của giai cấp công nhân đã lớn hơn nhiều.
Giai cấp nông dân đa phần đã biến mất ở các nước tư bản tiên tiến, trong khi các tầng lớp lớn mà trước đây tự coi mình là tầng lớp trung lưu (chuyên gia, công nhân cổ cồn trắng, giáo viên, giảng viên, công chức, bác sĩ và y tá) đã xích lại gần hơn với giai cấp vô sản và đang được công đoàn hoá.
Các sinh viên, vốn là thành phần xung kích của của nghĩa phát xít trong giai đoạn 1920 và 1930, giờ đây đang ngả về phía cánh tả và rất cởi mở với những ý tưởng cách mạng. Giai cấp công nhân, ở hầu hết các nước, đã không phải chịu thất bại nghiêm trọng và được gìn giữ tương đối nguyên vẹn trong nhiều thập kỷ.
Giai cấp tư sản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử, nhưng vì giai cấp công nhân đã mạnh lên đáng kể, nó không thể trắng trợn đưa ra những chính sách phản động một cách trắng trợn được.
Điều này nghĩa là giai cấp thống trị sẽ phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi chúng cố gắng giành lại những lợi ích từng nắm giữ. Độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng sẽ khiến chúng phải cố gắng cắt giảm tối đa chi tiêu công. Điều này sẽ chỉ dẫn tới xung đột xã hội ở các nước.
Thảm họa môi trường
Ngoài chiến tranh liên miên và khủng hoảng kinh tế, hành tinh của chúng ta đang bị cưỡng đoạt và phá hoại, đây là một mối hiểm hoạ nữa cho loài người. Trong quá trình liên tục vươn vòi tìm kiếm lợi nhuận, hệ thống tư bản chủ nghĩa đã đầu độc không khí chúng ta hít thở, thực phẩm chúng ta ăn và nước chúng ta uống.
Hệ thống tư bản đang phá hủy rừng nhiệt đới Amazon và làm tan băng ở hai cực . Các đại dương bị bóp nghẹt bởi nhựa và bị ô nhiễm bởi chất thải hóa học. Các loài động vật đang dần tuyệt chủng với một tốc độ đáng báo động. Và tương lai của loài người đang bị đe dọa.
Các thành phần nghèo nhất của xã hội và tầng lớp lao động là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Trên hết, giai cấp thống trị đang bắt họ gánh thay món nợ từ cuộc khủng hoảng mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra.
Marx giải thích rằng nhân loại đang đứng trước sự hai lựa chọn: một bên là chủ nghĩa xã hội và bên kia là sự man rợ. Sự man rợ này đã tồn tại ngay cả ở các nước tư bản tiên tiến nhất, và đe dọa sự tồn tại của nền văn minh. Giờ đây chúng ta hoàn toàn có quyền nói rằng chủ nghĩa tư bản là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của loài người.
Những sự thật này khuấy động lương tâm của hàng triệu người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Tuy vậy, chỉ sự phẫn nộ về đạo đức và các cuộc biểu tình không thôi thì hoàn toàn không đủ. Nếu phong trào môi trường tự giới hạn mình trong khuôn khổ chính trị trống rỗng và màu mè, nó sẽ chỉ tự dẫn mình đến ngõ cụt.
Các nhà hoạt động môi trường có thể chỉ ra các triệu chứng vô cùng rõ ràng của vấn đề. Song họ lại không đưa ra chẩn đoán chính xác về nguyên nhân của vấn đề, và vì không có chẩn đoán đúng, nên không thể đưa ra cách chữa trị đúng. Phong trào bảo vệ môi trường chỉ có thể thành công nếu nó có một lập trường cách mạng chống tư bản chủ nghĩa rõ ràng và không khoan nhượng.
Chúng ta phải nỗ lực để cảm hoá những thành phần tốt nhất của phong trào và thuyết phục họ rằng vấn đề chính là chủ nghĩa tư bản. Thảm họa môi trường là kết quả của nền kinh tế thị trường điên rồ và động cơ lợi nhuận không có giới hạn.
Cái gọi là "nền kinh tế thị trường tự do" bất lực không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào mà nhân loại phải đối mặt. Nó cực kỳ lãng phí, phá hoại và vô nhân đạo. Không một tiến bộ nào có thể được thực hiện trên cơ sở này. Việc cần có một nền kinh tế kế hoạch là câu trả lời đương nhiên.
Cần phải loại bỏ các chủ ngân hàng, các nhà tư bản và thay thế tình trạng hỗn loạn của thị trường bằng một hệ thống kế hoạch hài hòa và hợp lý.
Hệ thống tư bản chủ nghĩa hiện thời đang biểu hiện tất cả các đặc trưng khủng khiếp của một loài vật đáng ra đã nên tuyệt chủng từ lâu. Nó không nhận ra rằng nó đang đối mặt với sự tuyệt chủng. Thực tế đúng như vậy.
Hệ thống thoái hóa và bệnh tật này giống như một ông lão ốm yếu và già nua, kiên trì sống mòn. Hệ thống này sẽ tiếp tục loạng choạng (với mọi biểu hiện ốm yếu và già nua) chỉ cho đến khi nó thực sự bị lật đổ bởi phong trào cách mạng có ý thức của giai cấp công nhân.
Nhiệm vụ của giai cấp công nhân là chấm dứt quá trình kéo dài đau đớn chết chóc của chủ nghĩa tư bản thông qua việc thực hiện cách mạng lật đổ hệ thống và tái thiết xã hội từ ngọn tới gốc.
Sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản hiện nay đại diện cho một mối đe dọa rõ ràng và cấp bách đối với tương lai của Trái đất. Để nhân loại được sống, hệ thống tư bản chủ nghĩa phải chết.
Yếu tố chủ quan
Do tính chất khủng hoảng nói chung của chủ nghĩa tư bản, có thể kết luận rằng sự sụp đổ cuối cùng của nó là chắc chắn và không thể tránh khỏi. Như vậy, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là điều tất yếu của lịch sử.
Điều đó đúng ở góc độ toàn cục. Nhưng từ các tiền đề chung, khó có thể có một lời giải thích cụ thể cho mọi sự kiện thực tế.
Nếu sự sụp đổ của hệ thống tư bản là tất yếu, vậy, liệu ta có còn cần một đảng cách mạng, có cần những cuộc đình công, có cần công đoàn hay biểu tình, có cần nghiên cứu lý thuyết cách mạng hay bất cứ điều gì khác? Lịch sử đã chứng minh, rằng chúng ta luôn cần những yếu tố này. Yếu tố chủ quan, đặc biệt là sự lãnh đạo, đóng một vai trò vô cùng quan trọng tại những thời điểm quyết định trong lịch sử.
Karl Marx chỉ ra rằng giai cấp công nhân mà không có tổ chức thì không gì khác hơn là nguyên liệu thô để bóc lột. Không có tổ chức, chúng ta chẳng là gì. Có tổ chức, chúng ta là tất cả.
Ở đây ta thấy được cốt lõi của vấn đề. Vấn đề thực sự là yếu tố lãnh đạo cho cuộc cách mạng đang hoàn toàn bị bỏ ngỏ - nguyên do từ sự thối nát cùng cực của các lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Các tổ chức quần chúng đã phát triển trong lịch sử của giai cấp công nhân luôn chịu áp lực từ giai cấp thống trị và giai cấp tiểu tư sản trong một thời kỳ tương đối thịnh vượng kéo dài vài thập kỉ. Điều này đã củng cố sự kiểm soát của bộ máy quan liêu công đoàn lên các tổ chức công nhân.
Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản cũng đi cùng cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cải lương cải cách. Các nhà lãnh đạo công nhân cánh hữu đã từ bỏ những ý tưởng gây dựng nên phong trào[5], và đã tự tách mình khỏi giai cấp công nhân.
Giới lãnh đạo của các tổ chức công nhân đang phải chịu áp lực của giai cấp tư sản hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử. “Đám sĩ quan công nhân của giai cấp tư bản[6]”, một cách mô tả chính xác về những kẻ này mượn lời nhà xã hội chủ nghĩa tiên phong người Mỹ Daniel DeLeon, Lenin rất ưa thích cụm từ này và thường trích nó trong các bài viết của mình. Trong cơn bão tố đang tới, những kẻ này sẽ bị dẹp qua một bên và trở thành quá khứ.
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở các nhà cải cách cánh hữu.
Sự suy đồi của 'cánh tả'
Phe tự gọi mình là "cánh tả" đã đóng một vai trò nguy hại, những kẻ đầu hàng ở mọi mặt trận trước áp lực của phe cánh hữu và tầng lớp thống trị. Ta đã thấy điều này với đảng Tsipras và các nhà lãnh đạo khác của đảng Syriza ở Hy Lạp. Quá trình tương tự xảy ra với Podemos ở Tây Ban Nha, ở Mỹ với Bernie Sanders và ở Anh với Jeremy Corbyn.
Trong tất cả các trường hợp này, các nhà lãnh đạo cánh tả ban đầu khơi dậy hy vọng của nhiều người, nhưng những hy vọng này đã bị dập tắt khi họ đầu hàng trước áp lực của phe cánh hữu.
Thật dễ dàng để buộc tội các nhà lãnh đạo này hèn nhát và yếu đuối. Nhưng ở đây chúng ta không nói đến đạo đức hay lòng can đảm cá nhân, mà đúng hơn là với sự nhu nhược chính trị đến cùng cực.
Vấn đề cốt yếu của các nhà cải cách cánh tả là họ tin rằng có thể đạt được yêu cầu của quần chúng mà không phá vỡ hệ thống tư bản chủ nghĩa. Về mặt này, họ không khác với các nhà cải cách cánh hữu, điểm khác biệt duy nhất là những kẻ cải cách cánh hữu công khai sự phụ thuộc hoàn toàn của họ vào các chủ ngân hàng và nhà tư bản.
Về cơ bản, ngày nay "cánh tả" thậm chí còn chẳng buồn nói về chủ nghĩa xã hội. Họ thậm chí không bằng một góc của các nhà lãnh đạo cánh tả cũ trong những năm 1930. Thay vào đó, họ tự giới hạn mình trong những yêu cầu nhu nhược về cải thiện mức sống, hay đòi thêm nhiều quyền dân chủ hơn, v.v.
Họ thậm chí cũng chẳng đề cập đến chủ nghĩa tư bản nữa, mà thay vào đó là "chủ nghĩa tân tự do" - coi nó là phiên bản “xấu” của chủ nghĩa tư bản, trái ngược với chủ nghĩa tư bản "tốt" - mà trên thực tế họ cũng chẳng hiểu thứ “chủ nghĩa tư bản tốt” này là gì.
Chính vì từ chối phá bỏ hệ thống tư bản, các nhà cải cách cánh tả luôn thấy mình cần phải kiếm chỗ đứng với giai cấp thống trị. Họ cố gắng chứng minh rằng họ không phải là mối đe dọa và họ có thể được tin tưởng để cai trị vì lợi ích của các nhà tư bản.
Điều này giải thích vì sao họ luôn cố chấp và từ chối tẩy chay phe cánh hữu - những tác nhân ngang nhiên phục vụ cho giai cấp thống trị bên trong phong trào lao động - và họ cố gắng biện minh cho điều này với lý do rằng phải duy trì sự thống nhất và đoàn kết.
Điều này vô hình trung luôn khiến họ phải tay trong tay với phe cánh hữu. Nhưng khi cánh hữu giành được quyền kiểm soát, chúng không những không thể hiện sự dè dặt tôn trọng tương tự, mà ngay lập tức phát động một cuộc săn lùng hiểm ác chống lại phe cánh tả.
Vì vậy, sự hèn nhát ở đây không liên quan đến tính cách cá nhân của người này người nọ. Nó là một phần không thể tách rời trong DNA chính trị của chủ nghĩa cải cách cánh tả.
Cuộc đấu tranh chống áp bức
Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản đã biểu hiện qua nhiều phong trào phản kháng mạnh mẽ với xã hội hiện tại, chống lại những bộ khuôn giá trị, đạo đức của nó, và cả những bất công và áp bức nghẹt thở mà nó gây ra.
Mâu thuẫn trọng điểm trong xã hội vẫn là sự đối lập giữa tư bản và người lao động làm công ăn lương. Tuy nhiên, áp bức có nhiều hình thức khác nhau, một số hình thái thì lâu đời hơn và có gốc rễ sâu hơn chế độ nô lệ tiền lương.
Trong số các hình thức áp bức phổ biến và gây đau khổ nhất là sự áp bức phụ nữ trong một thế giới nam quyền thống trị. Cuộc khủng hoảng đang làm gia tăng sự phụ thuộc kinh tế của phụ nữ. Việc cắt giảm chi tiêu công của nhà nước đang tạo áp lực đè nặng lên vai phụ nữ với gánh nặng chăm sóc trẻ em và người già.
Phụ nữ trên toàn thế giới đang đối mặt với một làn sóng bạo lực. Và các quyền như quyền phá thai đang bị tấn công. Điều này thúc đẩy sự căm hận và nhận thức phản kháng mãnh liệt, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ.
Cuộc nổi dậy của phụ nữ chống lại guồng áp bức khủng khiếp này có tầm quan trọng thiết yếu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Nếu không có sự tham gia toàn diện của phụ nữ thì không thể có cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công.
Cuộc đấu tranh chống lại mọi hình thức áp bức và phân biệt đối xử là một phần then chốt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa tư bản.
Lập trường của chúng tôi rất đơn giản: Trong mọi cuộc đấu tranh, chúng tôi sẽ luôn đứng về phía những người bị áp bức chống lại những kẻ áp bức. Song điều này là chưa đủ để thể hiện toàn bộ lập trường của chúng tôi. Cần phải thêm rằng thái độ của chúng tôi về cơ bản là thái độ phủ quyết (a negative attitude) [7].
Điều này nghĩa là: chúng tôi phản đối áp bức và phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào, cho dù đó là chống lại phụ nữ, người da màu, người đồng tính, người chuyển giới hoặc bất kỳ nhóm thiểu số bị áp bức nào khác.
Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn bác bỏ chính trị bản sắc, dưới chiêu bài bảo vệ quyền của một nhóm cụ thể, nó đóng một vai trò phản động và gây chia rẽ, cuối cùng làm suy yếu sự thống nhất của giai cấp công nhân và cung cấp sự trợ lực vô giá cho giai cấp thống trị.
Phong trào lao động đã bị ảnh hưởng bởi nhiều loại ý tưởng ngoại lai: chủ nghĩa hậu hiện đại, chính trị bản sắc, 'sự đúng đắn chính trị' (political correctness), và tất cả những thứ vô nghĩa kỳ quặc khác đã được giai cấp tiểu tư sản 'cánh tả' ở các trường đại học bơm vào phong trào, với vai trò giúp truyền tải các hệ tư tưởng phản động và xa lạ với tầng lớp lao động.
Vốn là một sản phẩm phụ của cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại, chính trị căn tính đã thấm sâu vào bộ não của nhiều sinh viên. Những ý tưởng xa lạ này đã được đưa vào phong trào lao động, nơi mà chúng được tận dụng như một vũ khí hiệu quả nhất trong tay bộ máy quan liêu chống lại các chiến binh giai cấp hiếu chiến nhất.
Lenin nhấn mạnh đến sự cần thiết của những người cộng sản phải chiến đấu trên tất cả các mặt trận - không chỉ mặt trận kinh tế và chính trị, mà cả mặt trận ý thức hệ. Chúng ta đứng vững trên nền tảng vững chắc của lý luận Mác xít và triết học duy vật biện chứng.
Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với chủ nghĩa duy tâm triết học dưới mọi hình thức của nó: cho dù là chủ nghĩa tôn giáo mê muội, hay sự mê tín hoài nghi, trá hình và không kém phần độc hại của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Do đó, cuộc đấu tranh chống lại hệ tư tưởng giai cấp ngoại lai và những kẻ tiểu tư sản ủng hộ chúng là một nhiệm vụ rất quan trọng. Không được nhượng bộ trước những ý tưởng gây chia rẽ và phản cách mạng, vốn đã nằm trong tay các ông chủ và chiến thuật gia của chúng hàng đời nay, đó chính là "chia để trị."
Trên thực tế, một phản ứng lành mạnh chống lại những ý tưởng nguy hiểm này đã bắt đầu nảy sinh trong một bộ phận thanh niên hướng tới chủ nghĩa cộng sản.
Những người cộng sản đứng vững trên nền tảng chính trị giai cấp và bảo vệ sự thống nhất của giai cấp công nhân trước tất cả mọi chia rẽ về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Chúng tôi không quan tâm bạn là người da đen hay da trắng, nam hay nữ. Chúng tôi cũng chẳng bận tâm đến lối sống của bạn hoặc bạn đời của bạn là ai. Đây hoàn toàn là những vấn đề cá nhân và chẳng hề phương hại đến bất cứ ai - quan chức, linh mục hay chính trị gia.
Yêu cầu duy nhất để gia nhập với chúng tôi là các bạn phải sẵn sàng và chuẩn bị để đấu tranh cho lý tưởng duy nhất có thể mang lại tự do bình đẳng thực sự, và mang lại mối quan hệ thuần nhân văn giữa các giới tính: đó chính là sự nghiệp thiêng liêng của cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân.
Nhưng điều kiện tiên quyết để gia nhập những người cộng sản là bạn phải buông bỏ những ý tưởng vô nghĩa phản động của chính trị bản sắc.
Các công đoàn
Ta đang ở trong thời kỳ giông bão và biến động nhất trong lịch sử. Sân khấu lịch sử đã được chuẩn bị cho sự hồi sinh toàn diện của cuộc đấu tranh giai cấp. Nhưng cuộc đấu tranh này sẽ không dễ dàng. Giai cấp công nhân đang bắt đầu thức tỉnh sau một thời gian tương đối ngủ im. Giai cấp công nhân sẽ phải học lại nhiều bài học, thậm chí cả những bài học cơ bản như sự cần thiết của tổ chức công đoàn.
Mặc dù vậy, giới lãnh đạo của các tổ chức quần chúng ở khắp nơi, đặc biệt là các lãnh đạo công đoàn, đều đang ở trong một tình trạng đáng buồn. Họ không còn tin vào khả năng của bản thân trong việc phục vụ những nhu cầu cấp thiết nhất của giai cấp công nhân. Họ thậm chí còn không thể tự mình xây dựng và củng cố các công đoàn.
Vậy nên, toàn bộ tầng lớp của thế hệ công nhân trẻ mới tham gia vào các công việc bấp bênh như tài xế giao hàng, nhân viên trung tâm tư vấn và những người tương tự, đều tự thấy mình không hơn gì nguyên liệu thô để bị bóc lột.
Khi làm việc trong điều kiện kinh khủng tại các lò bóc lột sức lao động, ví dụ như nhà kho của Amazon, họ phải chịu sự bóc lột tàn bạo, luôn phải làm việc quá giờ và nhận đồng lương còm cõi. Cái thời mà người lao động có thể được tăng lương đáng kể chỉ bằng cách đe dọa đình công đã qua lâu rồi. Đám chủ sẽ rêu rao rằng chúng thậm chí còn không đủ khả năng để duy trì mức lương hiện tại chứ đừng nói đến việc nhượng bộ tăng lương.
Những người còn mơ về hòa bình và đồng thuận giai cấp chỉ đang chìm trong quá khứ, trong một giai đoạn của chủ nghĩa tư bản vốn đã không còn tồn tại. Chính những nhà lãnh đạo công đoàn, chứ không phải những người theo chủ nghĩa Mác, mới là những người không tưởng! Tương lai là một bức tranh toàn cảnh với những trận chiến vĩ đại, song cũng sẽ có những thất bại của giai cấp vô sản do sự lãnh đạo yếu kém. Điều quan trọng là phải có cuộc đấu tranh triệt để cùng với sự hồi sinh của chiến tranh giai cấp.
Quá trình cực đoan hóa sẽ tiếp tục và ngày càng sâu sắc hơn. Điều này sẽ mở ra những cơ hội lớn cho công việc của những người cộng sản trong công đoàn và ở các nơi làm việc.
Con đường phía trước đòi hỏi phải có một cuộc đấu tranh nghiêm túc chống chủ nghĩa cải cách, một cuộc đấu tranh nhằm tái lập các tổ chức quần chúng của giai cấp công nhân, bắt đầu từ các công đoàn. Công đoàn phải trở thành các tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân.
Mục tiêu này chỉ có thể đạt được bằng một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại bộ máy quan liêu theo chủ nghĩa cải cách. Các công đoàn phải được thanh lọc từ trên xuống dưới, và xóa bỏ hoàn toàn chính sách thoả hiệp giai cấp.
Chiến đấu thôi là chưa đủ
Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cải cách không đồng nghĩa với việc chúng tôi phản đối cải cách. Chúng tôi không chỉ trích những người lãnh đạo công đoàn vì họ đấu tranh cho cải cách, mà ngược lại - vì họ không đấu tranh gì cả.
Họ tìm cách thỏa hiệp với giới chủ, tránh thực hiện các hành động táo bạo, và kể cả khi bị áp lực của thành viên công đoàn buộc phải làm điều đó, thì họ làm mọi thứ trong khả năng của mình để hạn chế hành động đình công và đạt được một thỏa thuận ươn hèn nhằm chấm dứt phong trào càng sớm càng tốt.
Những người cộng sản sẽ đấu tranh cho những cải cách dù là nhỏ nhất nhằm cải thiện mức sống và quyền lợi của người lao động. Nhưng trong điều kiện hiện nay, cuộc đấu tranh để cải cách mức sống sẽ chỉ thành công khi cuộc đấu tranh đó đạt được phạm vi rộng nhất và tính cách mạng triệt để nhất.
Những hạn chế của hình thức dân chủ tư sản sẽ bộc lộ ra khi nó được thử nghiệm trên thực tế. Chúng ta sẽ đấu tranh để bảo vệ mọi yêu sách dân chủ quan trọng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để cuộc đấu tranh giai cấp phát triển đầy đủ nhất.
Toàn bộ giai cấp công nhân chỉ có thể học hỏi thông qua kinh nghiệm của chính mình. Nếu không có cuộc đấu tranh hàng ngày để phát triển và tự học dưới chủ nghĩa tư bản, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ là không khả thi.
Nhưng xét cho cùng, sức chiến đấu của công đoàn thôi là chưa đủ. Trong điều kiện khủng hoảng tư bản, ngay cả những lợi ích mà giai cấp công nhân đạt được cũng không thể tồn tại lâu dài.
Những gì các ông chủ cho đi bằng tay phải, họ sẽ lấy lại bằng tay trái. Việc tăng lương sẽ trở nên vô nghĩa do lạm phát hoặc tăng thuế. Các nhà máy sẽ đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Cách duy nhất để đảm bảo rằng những cải cách không bị hủy bỏ là đấu tranh cho một sự thay đổi toàn diện trong xã hội. Đến một thời điểm nhất định, cuộc đấu tranh mang tính phòng thủ có thể chuyển thành đấu tranh phản công. Chính nhờ kinh nghiệm từ những cuộc đấu tranh nhỏ cho các yêu cầu nhỏ từng bước một, dần dà các điều kiện được tích tụ cho cuộc chiến giành quyền lực cuối cùng.
Sự cần thiết của đảng lãnh đạo
Giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng duy nhất trong xã hội. Chẳng có lý do nào để người công nhân muốn duy trì một hệ thống dựa trên quyền sở hữu tư liệu sản xuất tư nhân và bóc lột sức lao động của con người, để thỏa mãn lòng tham lam của một số ít kẻ ăn bám giàu có.
Nhiệm vụ của những người cộng sản là làm cho sự phấn đấu vô thức hoặc nửa có ý thức của giai cấp công nhân, biến thành đấu tranh có ý thức nhằm thay đổi xã hội. Chỉ có giai cấp công nhân mới có đủ sức mạnh cần thiết để lật đổ chế độ độc tài của các chủ ngân hàng và nhà tư bản.
Đừng bao giờ quên rằng sẽ không một bóng đèn nào sáng, không một bánh xe nào quay và không một tiếng chuông điện thoại nào reo nếu không có sự cho phép của giai cấp công nhân.
Đó là một sức mạnh khổng lồ. Tuy nhiên, nó chỉ là sức mạnh tiềm tàng. Để sức mạnh tiềm tàng đó trở thành hiện thực, cần phải có một yếu tố khác. Thứ đó chính là sự tổ chức.
Điều này tương tự với nguồn sức mạnh của tự nhiên. Hơi nước chính là một sức mạnh như vậy. Nó cung cấp nguồn lực chính cho cuộc cách mạng công nghiệp. Đó là sức mạnh điều khiển động cơ, cung cấp ánh sáng, sưởi ấm, và năng lượng để mang lại sự sống và sự chuyển động cho các thành phố lớn.
Nhưng hơi nước chỉ trở thành năng lượng khi nó được tập trung vào một cơ cấu gọi là hộp piston. Nếu không có cơ chế như vậy, năng lượng hơi nước sẽ chỉ bị tiêu tán vô ích vào khí quyển. Nó sẽ mãi chỉ là một tiềm năng, và không có gì hơn.
Ngay cả ở trình độ cơ bản nhất, mọi công nhân có ý thức về giai cấp đều hiểu được sự cần thiết của việc tổ chức công đoàn. Nhưng biểu hiện cao nhất của tổ chức vô sản là đảng cách mạng, để có thể đoàn kết được tầng lớp có ý thức, tận tụy và thiện chiến nhất trong cuộc đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản. Việc thành lập một đảng như vậy là nhiệm vụ cấp bách nhất mà chúng ta phải đối mặt.
Ý thức
Sự bất ổn kinh tế và xã hội ngày càng tăng cao, có nguy cơ làm suy yếu nền tảng của trật tự hiện có. Liệu còn cách nào khác để giải thích những giao động mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử ở khắp mọi nơi, từ cánh hữu, cánh tả và quay ngược lại cánh hữu?
Những nhà cải cách cánh tả với tầm nhìn thiển cận đã đổ lỗi cho công nhân rằng họ lạc hậu và cổ hủ. Đó là cách mà chúng cố gắng bào chữa và che đậy vai trò nguy hại của mình. Nhưng điều này phản ánh sự tuyệt vọng và sự thiếu sót một giải pháp thực sự. Quần chúng đang cố gắng hết sức để tìm lối thoát. Và họ đang thử nghiệm hết lựa chọn này đến lựa chọn khác. Hết chính phủ, đảng phái và nhà lãnh đạo này, đến chính phủ, đảng phái và nhà lãnh đạo khác bị thử thách, bộc lộ rõ thiếu sót và bị loại bỏ.
Trong quá trình này, những người theo chủ nghĩa cải cách đã đóng một vai trò cực kì đáng trách, và những người cánh tả theo chủ nghĩa cải cách thậm chí còn đáng trách hơn. Xuất phát từ điều này, chúng ta đang thấy có sự thay đổi trong ý thức. Đó không phải là kiểu thay đổi chậm rãi, từ từ mà người ta thường nghĩ.
Tất nhiên, cần có thời gian để trưởng thành, sau cùng những thay đổi về lượng sẽ đạt đến điểm tới hạn và dẫn đến sự thay đổi về chất. Điều này cũng áp dụng với những thay đổi chóng vánh trong ý thức.
Đây chính là loại thay đổi mà chúng ta đang chứng kiến, đặc biệt là ở giới trẻ. Một cuộc khảo sát đã để hơn 1.000 người Anh trưởng thành xếp hạng các từ và cụm từ mà họ liên tưởng nhiều nhất đến “chủ nghĩa tư bản”.
Những cụm từ phổ biến nhất là “sự tham lam” (73%), “áp lực phải thành đạt liên tục” (70%) và “tham nhũng” (69%). 42% số người được hỏi đồng ý với câu nói “chủ nghĩa tư bản bị thống soát bởi người giàu, họ nắm giữ chính trị”.
Sự thay đổi này được thể hiện rõ nhất ở xu hướng giới trẻ bị thu hút bởi chủ nghĩa cộng sản. Ngày càng nhiều người tự gọi mình là người cộng sản, mặc dù có người chưa bao giờ đọc Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và không có kiến thức về chủ nghĩa xã hội khoa học.
Nhưng sự phản bội của Cánh Tả đã khiến cho cụm từ ‘chủ nghĩa xã hội’ trở nên khó ngửi. Nó không còn tạo được tiếng vang với những người tiên phong nhất nữa. Họ nói: “Chúng tôi muốn chủ nghĩa cộng sản. Chỉ có thế và không thêm gì khác.”
Thế nào là một người cộng sản?
Trong phần Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản có tựa đề "Người Vô sản và người Cộng sản”, chúng ta đọc được đoạn sau:
Quan hệ giữa người cộng sản với với hững người vô sản nói chung là gì?
“Những người Cộng sản không thành lập một đảng riêng biệt đối lập với các đảng khác của giai cấp công nhân.
Lợi ích của người vô sản luôn gắn liền với lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản.
“Họ không tự đặt ra những nguyên tắc bè phái của riêng mình để định hình và uốn nắn phong trào vô sản theo những nguyên tắc.
“Những người Cộng sản khác với các bộ phận khác của giai cấp công nhân ở chỗ: 1. Trong cuộc đấu tranh dân tộc của những người vô sản ở các nước khác nhau, họ chỉ ra và nêu lên lợi ích chung của toàn thể giai cấp vô sản, độc lập với mọi dân tộc. . […]
“Do đó, những người Cộng sản, một mặt trên thực tế, là bộ phận tiến bộ và kiên quyết nhất trong các đảng của giai cấp công nhân ở mọi nước, là bộ phận thúc đẩy tất cả các bộ phận khác tiến lên; mặt khác, về mặt lý thuyết, họ có lợi thế hơn đại đa số giai cấp vô sản là hiểu rõ đường lối, điều kiện và kết quả chung cuộc của phong trào vô sản”.
Những dòng này thể hiện rất rõ bản chất của sự việc.
Liệu đã đến lúc thành lập Quốc tế Cách mạng Cộng sản?
Sự giận dữ ngày càng tăng đối với cái gọi là nền kinh tế thị trường tự do đã khiến những người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản khiếp sợ. Họ đang sợ hãi nhìn về một tương lai bất ổn và đầy hỗn loạn.
Cùng với tâm trạng bi quan lan tràn này, những đại diện thông minh hơn của giai cấp tư sản bắt đầu phát hiện ra những điểm tương đồng khó chịu giữa tình hình thế giới hiện tại với thế giới vào năm 1917. Chính trong bối cảnh đó, nhu cầu cho một đảng cách mạng với truyền thống trong sạch và đường lối cách mạng rõ ràng đã được đặt ra.
Tính chất quốc tế của phong trào của chúng ta xuất phát từ thực tế rằng chủ nghĩa tư bản là một hệ thống toàn cầu. Ngay từ đầu, Marx đã nỗ lực thành lập một tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân.
Tuy nhiên, kể từ khi Quốc tế Cộng sản bị biến thái bởi chủ nghĩa Stalin, đã không còn tổ chức nào đúng nghĩa như vậy tồn tại. Đây là thời điểm để phát động một Quốc tế Cách mạng Cộng sản!
Điều này sẽ bị một số người coi là chủ nghĩa bè phái. Thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Chúng tôi hoàn toàn không có điểm chung nào với các nhóm cực tả và bè phái, những kẻ khệnh khạng đi lại như những con công lố bịch ở ngoài rìa phong trào lao động.
Chúng ta phải quay lưng lại với những kẻ bè phái và hướng về những lực lượng mới đang tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Bước cần thiết không phải là biểu hiện của sự thiếu kiên nhẫn hay chủ nghĩa tự nguyện chủ quan. Nó bắt nguồn từ sự hiểu biết rõ ràng về tình hình khách quan. Chính điều này, chứ không phải nguyên do gì khác, khiến việc thành lập quốc tế cộng sản trở thành một bước hoàn toàn cần thiết và không thể tránh khỏi.
Hãy nhìn vào sự thật:
Các cuộc thăm dò mới nhất ở Anh, Mỹ, Úc và nhiều nước khác cho chúng ta một dấu hiệu rất rõ ràng rằng ý tưởng về chủ nghĩa cộng sản đang lan rộng nhanh chóng. Tiềm năng của chủ nghĩa cộng sản là rất lớn. Nhiệm vụ của chúng ta là biến tiềm năng này thành hiện thực bằng cách xây dựng tổ chức.
Thông qua việc tổ chức đội tiên phong trong một Đảng Cách mạng Cộng sản chân chính, liên kết các tổ đội này với một tổ chức Bolshevik có kỷ luật, giáo dục họ theo các tư tưởng Marxist và huấn luyện họ theo các phương pháp của Lênin, chúng ta sẽ xây dựng một lực lượng có thể đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ tới.
Đó là nhiệm vụ của ta. Chúng ta phải vượt qua mọi trở ngại để đạt được nó.
Chủ nghĩa Stalin đối nghịch chủ nghĩa Bolshevik
Từ lâu, kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản tin rằng họ đã xua đuổi thành công bóng ma của Cách mạng Tháng Mười. Sự sụp đổ của Liên Xô dường như khẳng định niềm tin của chúng rằng chủ nghĩa cộng sản đã chết và bị chôn vùi. “Chiến tranh Lạnh đã kết thúc,” chúng hả hê, “và chúng ta đã thắng.”
Tuy nhiên, trái ngược với truyền thuyết được kẻ thù giai cấp của chúng ta liên tục lặp đi lặp lại, không phải chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ vào những năm 1980 mà là chủ nghĩa Stalin, đây - một bức tranh biếm họa khủng khiếp, quan liêu và toàn trị, không liên quan gì đến chế độ dân chủ công nhân do Lênin và Đảng Bolshevik thiết lập năm 1917.
Stalin đã thực hiện một chiến dịch chính trị phản cách mạng chống lại chủ nghĩa Bolshevik, bằng cách lợi dụng một nhóm đẳng cấp đặc quyền, là nhóm các quan chức quan liêu đã lên nắm quyền trong thời kỳ suy thoái của cuộc cách mạng sau cái chết của Lenin. Để củng cố chế độ độc tài phản cách mạng của mình, Stalin buộc phải sát hại tất cả các đồng chí của Lênin và một số lượng lớn những người cộng sản chân chính khác.
Chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Bolshevik, không những không hề giống nhau, mà còn khác xa về bản chất: hai ý tưởng này là hai kẻ thù không đội trời chung và loại trừ lẫn nhau, được phân cách bởi một dòng sông máu.
Sự thoái hóa của các Đảng ‘Cộng sản’
Chủ nghĩa Cộng sản gắn liền với tên tuổi Lênin và truyền thống vẻ vang của Cách mạng Nga, nhưng các Đảng Cộng sản ngày nay chỉ là 'cộng sản' trên danh nghĩa mà thôi. Các nhà lãnh đạo của các đảng này từ lâu đã từ bỏ các tư tưởng của Lênin và chủ nghĩa Bolshevik.
Sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa Lênin nằm ở việc chấp nhận chính sách “xã hội chủ nghĩa trong một nước”. Năm 1928, Trotsky dự đoán rằng điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự thoái hóa của mọi Đảng Cộng sản trên thế giới theo đường lối chủ nghĩa cải cách dân tộc. Dự đoán này đã được chứng minh là đúng.
Lúc đầu, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản ngoan ngoãn thực hiện mệnh lệnh của Stalin và bộ máy quan liêu, mù quáng tuân theo mọi điều lệnh này nọ từ Moscow. Sau đó, họ đã bác bỏ Stalin, nhưng thay vì quay lại với Lenin, họ lại rẽ sang cánh hữu. Khi tách khỏi Moscow, ở hầu hết các nước, các đảng này đã áp dụng các quan điểm và chính sách cải cách.
Theo logic chết người của “chủ nghĩa xã hội trong một nước”, lãnh đạo của mọi đảng phái dân tộc đã tự điều chỉnh đường lối để phù hợp với lợi ích của giai cấp tư sản ở đất nước họ. Điều này đã dẫn tới sự thoái hóa hoàn toàn, thậm chí dẫn đến sự giải thể hoàn toàn của các Đảng Cộng sản.
Trường hợp tồi tệ nhất là Đảng Cộng sản Ý (PCI), từng là Đảng Cộng sản lớn nhất và quyền lực nhất châu Âu. Các chính sách của chủ nghĩa cải cách dân tộc đã thoái hoá và cuối cùng đã dẫn đến sự giải thể của PCI và biến nó thành một đảng cải cách tư sản.
Đảng Cộng sản Anh ngày nay chỉ có ảnh hưởng thông qua tờ nhật báo “Morning Star”, đường lối của tờ báo này chẳng đi xa hơn một phiên bản ôn hòa của chủ nghĩa cải cách cánh tả. Trên thực tế, nó chỉ là vỏ bọc mang tính cánh tả cho bộ máy quan liêu của công đoàn.
Đảng Cộng sản Tây Ban Nha (PCE) nằm trong liên minh chính phủ đang gửi vũ khí tới Ukraine trong cuộc chiến của NATO chống lại Nga. Kết quả là PCE đã bước vào giai đoạn suy thoái mạnh. Cánh thanh niên của đảng này (UJCE) đã chối từ đường lối chính thức của đảng và đã bị trục xuất.
Đảng Cộng sản Hoa Kỳ (CPUSA) hoạt động không khác gì một cỗ máy bầu cử cho Đảng Dân chủ, kêu gọi bỏ phiếu cho Biden với lý do ‘cuộc bỏ phiếu chống lại chủ nghĩa phát xít’.
Đảng Cộng sản Nam Phi đã là thành viên của chính phủ ANC (Đảng Đại hội Dân tộc Phi) thân tư bản trong 30 năm, và thậm chí còn bao biện cho vụ thảm sát 34 thợ mỏ đình công tại Marikana vào năm 2012.
Và còn nhiều ví dụ khác nữa.
Cuộc khủng hoảng trong các Đảng Cộng sản
Vào thời điểm quan trọng này của lịch sử thế giới, phong trào cộng sản quốc tế đang cực kỳ hỗn loạn.
Các Đảng Cộng sản trên khắp thế giới đã đáp lại thảm sát ở Gaza bằng lời kêu gọi “tôn trọng luật pháp quốc tế” và các nghị quyết của Liên hợp quốc, tức là tôn trọng các cường quốc đế quốc lớn.
Nhưng chính cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022 đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc, khi hầu hết các Đảng Cộng sản đều cúi mình theo lập trường của giai cấp thống trị nước họ, và gây ra nhiều tai tiếng. Nhiều Đảng Cộng sản, đặc biệt là ở phương Tây, che đậy sự ủng hộ ngầm của họ đối với NATO bằng những lời kêu gọi hòa bình, 'đàm phán', v.v. Cuộc xâm lược Gaza tàn khốc của Israel đã khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Ví dụ, Đảng Cộng sản Pháp (PCF) đã rút khỏi liên minh bầu cử cánh tả (NUPES) vì lãnh đạo của NUPES, Mélenchon, từ chối nói rằng Hamas là một tổ chức khủng bố.
Ở một thái cực khác, một số đảng đã trở thành công cụ trong chính sách đối ngoại của Nga và Trung Quốc, tin rằng Nga và Trung Quốc là những đồng minh tiến bộ trong cuộc đấu tranh của các quốc gia yếu kém và phụ thuộc nhằm “thoát khỏi ách thuộc địa của đế quốc và nô lệ nợ nần”.
Đảng Cộng sản Liên bang Nga (CPRF) là một trường hợp cực đoan. Nó còn chẳng thể tồn tại một cách độc lập, chứ đừng nói đến lý tưởng cộng sản. Đảng của Zyuganov từ lâu đã trở thành kẻ theo phe phản động của Putin.
Những mâu thuẫn này đã dẫn đến hàng loạt sự chia rẽ. Một cuộc họp quốc tế của các Đảng Cộng sản và Công nhân (IMCWP) tại Havana vào năm 2023 thậm chí đã không đưa ra được tuyên bố nào về Chiến tranh Ukraine vì không thể tìm thấy 'sự đồng thuận'.
Cuộc khủng hoảng trong phong trào cộng sản và vai trò của KKE
Nhiều thành viên công nhân cộng sản đã phản ứng chống lại chủ nghĩa xét lại trắng trợn này.
Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) chắc chắn đã thực hiện những bước đi quan trọng trong việc bác bỏ ý tưởng bất tín về “chủ nghĩa hai giai đoạn” của phái Stalin-Menshevik. Đảng này đã đưa ra quan điểm quốc tế đúng đắn về cuộc chiến ở Ukraine, và coi nó như một cuộc xung đột giữa các đế quốc.
KKE đã lãnh đạo một phong trào công nhân để tẩy chay việc vận chuyển vũ khí từ các cảng của Hy Lạp đến Ukraine. Điều này sẽ được hoan nghênh bởi tất cả những người cộng sản chân chính. Tuy nhiên, dù điều này rõ ràng có tầm quan trọng lớn, nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận rằng những tiến bộ mà những người cộng sản Hy Lạp đạt được đã hoàn tất.
Đặc biệt, cần phải từ bỏ hoàn toàn lý thuyết phản Marxist về chủ nghĩa xã hội trong một nước, và phải áp dụng cách tiếp cận mặt trận thống nhất của Lênin.
KKE đang cố gắng xây dựng mối liên kết với các Đảng Cộng sản khác có chung quan điểm rằng cuộc chiến Ukraine là một cuộc xung đột giữa các nước đế quốc. Đó là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để thành công là phải tranh luận cởi mở, dân chủ, có sự tham gia của tất cả các khuynh hướng cộng sản chân chính trên thế giới.
Sẽ không thể xây dựng lại một Quốc tế Cộng sản thực sự dựa trên tư tưởng và phương pháp của Lênin bằng sự nhượng bộ và cơ chế “đồng thuận” trong thảo luận, trái ngược với sự tranh luận và tập trung dân chủ.
Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa phong trào trở về nguồn gốc thực sự của nó, đoạn tuyệt hoàn toàn với chủ nghĩa xét lại hèn nhát và đi theo ngọn cờ của Lênin. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi mở rộng tình hữu nghị với bất kỳ bên hoặc tổ chức nào có chung mục tiêu này.
Khi Trotsky phát động Phong trào Đối lập Cánh tả Quốc tế (International Left Opposition), ông đã hình dung rằng nó sẽ là phe đối lập cánh tả của phong trào cộng sản quốc tế. Chúng ta là những người cộng sản chân chính - những người theo chủ nghĩa Bolshevik-Leninist - những người đã bị Stalin loại khỏi hàng ngũ phong trào cộng sản một cách quan liêu.
Chúng ta đã luôn đấu tranh để giữ vững lá cờ đỏ tháng Mười và chủ nghĩa Lênin đích thực, và giờ đây chúng ta phải đòi lại vị trí xứng đáng của mình như một phần không thể thiếu của phong trào cộng sản thế giới.
Đã đến lúc mở ra một cuộc thảo luận trung thực trong phong trào về quá khứ, điều này sẽ giúp ta đoạn tuyệt với những tàn tích còn sót lại của chủ nghĩa Stalin và chuẩn bị cho sự thống nhất lâu dài của chủ nghĩa cộng sản, trên nền tảng vững chắc của chủ nghĩa Lênin.
Đả đảo chủ nghĩa xét lại!
Vì sự đoàn kết trong cuộc đấu tranh của tất cả những người cộng sản!
Trở lại với Lênin!
Chính sách của Lênin
Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta chưa phải là thu phục quần chúng. Tình thế hiện tại của chúng ta chưa cho phép điều này. Mục tiêu của chúng ta là thuyết phục được những yếu tố tiên tiến nhất và có ý thức giai cấp nhất (trong giai cấp lao động và nhóm thanh niên). Chỉ bằng cách này ta mới có thể tìm được con đường đến với quần chúng. Nhưng cũng không thể xem nhẹ cách tiếp cận với quần chúng.
Thế hệ công nhân, thanh niên mới đang tìm lối thoát khỏi tình trạng bế tắc. Những thành phần tiên tiến nhất đều hiểu rằng giải pháp duy nhất là đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Họ đang bắt đầu hiểu bản chất của những vấn đề trước mắt và dần dần bắt đầu nắm bắt được sự cần thiết của những giải pháp triệt để. Dù vậy, sự thiếu kiên nhẫn và nóng vội của họ có thể khiến họ mắc sai lầm.
Nhiệm vụ của những người cộng sản sẽ thật đơn giản, nếu tất cả những gì cần làm chỉ gói gọn trong việc tiếp cận và tuyên truyền tới giai cấp vô sản bằng những khẩu hiệu cách mạng. Nhưng điều này là không đủ và thậm chí còn có thể phản tác dụng.
Giai cấp công nhân chỉ có thể học hỏi qua trải nghiệm, nhất là trải qua những biến cố lớn. Trong điều kiện thông thường, giai cấp công nhân sẽ chỉ học hỏi ở mức độ chậm chạp – quá chậm đối với nhiều nhà cách mạng, những người đôi khi bị chi phối bởi sự thiếu kiên nhẫn và nỗi thất vọng.
Lênin hiểu rằng, trước khi người Bolshevik giành được chính quyền thì trước tiên họ phải có được quần chúng. Để làm được điều này, sự linh hoạt cao độ trong chiến thuật là cần thiết. Lênin luôn khuyến khích các nhà cách mạng phải kiên nhẫn: “kiên nhẫn giải thích” là lời khuyên của ông dành cho những người Bolshevik, ngay cả trong sức nóng của cuộc cách mạng năm 1917.
Không nắm vững chiến thuật, không xuất phát từ kinh nghiệm cụ thể của giai cấp công nhân, thì mọi lời bàn tán về xây dựng phong trào cách mạng chỉ là lời nói suông: như một con dao không lưỡi.
Đó là lý do tại sao các vấn đề về chiến lược và chiến thuật phải chiếm vị trí trọng tâm trong suy nghĩ của những người cộng sản. Cả Lênin và Trotsky đều có quan niệm rất rõ ràng về mối quan hệ của đội tiên phong cộng sản với các tổ chức quần chúng cải cách.
Điều này được tóm tắt như một tuyên bố dứt khoát của Lênin về chiến thuật cách mạng trong tác phẩm: “Bệnh ấu trĩ 'tả khuynh' trong phong trào cộng sản”. Hơn một thế kỷ sau, các tác phẩm của Lênin về chủ đề quan trọng này vẫn là điều mù mờ đối với đám Trotskist giả hiệu.
Họ đã bôi nhọ biểu ngữ và uy tín của chủ nghĩa Trotsky ở khắp mọi nơi, và đã mang lại những lợi thế vô giá cho bộ máy quan liêu. Họ nghĩ rằng việc tổ chức quần chúng chỉ là điều lỗi thời về mặt lịch sử. Thái độ của họ đối với các tổ chức này chỉ giới hạn ở những lời tố cáo chói tai về sự phản bội. Nhưng những chiến thuật này lại dẫn thẳng vào ngõ cụt.
Chúng không có điểm chung nào với các phương pháp linh hoạt của Lenin và Trotsky, những người hiểu rằng đảng cộng sản cần thiết phải xây cầu nối với quần chúng công nhân dù họ vẫn còn chịu ảnh hưởng của những người theo chủ nghĩa cải cách.
Chúng ta phải kiên quyết quay lưng lại với chủ nghĩa bè phái vô ích này và mạnh dạn đối mặt với giai cấp công nhân. Bằng cách kiên nhẫn giải thích các chính sách của cộng sản cho quần chúng và đặt ra yêu cầu đối với các nhà lãnh đạo cải cách, có thể thu phục được những người công nhân cải cách đi theo chủ nghĩa cộng sản.
“Mọi quyền lực về tay Xô Viết”
Chỉ cần nhắc đến sự thật là vào năm 1917, Lênin đã đưa ra khẩu hiệu “Mọi quyền lực về tay Xô Viết”, vào thời điểm đó, các tổ chức này đại diện cho quần chúng công nhân và binh lính, và nằm dưới sự kiểm soát của những người Menshevik và các đảng Cách Mạng Xã hội theo chủ nghĩa cải cách.
Với khẩu hiệu này, Lênin muốn nói với các nhà lãnh đạo cải cách của các Xô Viết: “Tốt lắm, thưa các ông. Các ông nắm đa số. Chúng tôi đề nghị các ông dùng quyền lực trong tay và trao cho nhân dân những gì họ muốn - hòa bình, bánh mì và đất đai. Nếu các ông làm được điều này, chúng tôi sẽ hỗ trợ các ông, sẽ không có nội chiến và cuộc đấu tranh giành quyền lực sẽ giảm xuống thành cuộc đấu tranh hòa bình để giành ảnh hưởng bên trong các Xô Viết.”
Những nhà lãnh đạo cải cách hèn nhát lại không có ý định nắm quyền. Họ phục tùng Chính phủ lâm thời tư sản, chính phủ này lại phục tùng chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phản động. Do đó, các công nhân và binh lính ở Liên Xô đã có thể tự mình nhìn thấy bản chất phản bội của các nhà lãnh đạo này và họ đã quay sang ủng hộ phe Bolshevik.
Chỉ bằng cách đó, những người Bolshevik mới có thể chuyển từ một đảng nhỏ khoảng 8.000 thành viên vào tháng 2 năm 1917 thành một lực lượng quần chúng có khả năng giành được đa số ở Liên Xô trong giai đoạn ngay trước Cách mạng Tháng Mười.
Trên hết, chúng ta ngày nay cần phải có ý thức về thực tế. Các lực lượng chân chính của chủ nghĩa cộng sản đã bị các thế lực lịch sử mạnh hơn đẩy lùi. Những người Cộng sản đã trở thành phần thiểu số trong phong trào của giai cấp công nhân.
Chúng ta có những ý tưởng đúng đắn, nhưng đại đa số giai cấp công nhân vẫn chưa tin rằng ý tưởng của chúng ta là đúng và cần thiết. Phần lớn họ vẫn chịu ảnh hưởng của các tổ chức cải cách truyền thống vì lý do đơn giản là các nhà lãnh đạo của các tổ chức đó đưa ra cho họ một cách có vẻ dễ dàng và ít nguy hiểm hơn để thoát khỏi khủng hoảng.
Trên thực tế, con đường này chỉ dẫn đến những thất bại, thất vọng và đau khổ hơn nữa. Những người cộng sản trong mọi trường hợp không thể để giai cấp công nhân rơi vào vòng tay của những kẻ cải cách phản bội giai cấp và đám quan liêu. Ngược lại, chúng ta phải tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại chúng. Dù vậy, việc phải trải qua bài học đau đớn về chủ nghĩa cải cách là điều không thể tránh khỏi cho giai cấp công nhân trên hành trình học hỏi của mình.
Nhiệm vụ của chúng ta không phải là chỉ trích họ từ bên lề mà là cùng trải nghiệm với họ, sát cánh bên nhau, giúp họ rút ra bài học và tìm ra con đường phía trước, như những người Bolshevik đã làm vào năm 1917.
Kết nối với người công nhân!
Chúng ta phải thiết lập nền tảng đối thoại với giai cấp công nhân, để thay vì bị coi là những phần tử xa lạ hay là kẻ thù, ta có thể đồng hành cùng công nhân như là những người đồng chí trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù chung - chủ nghĩa tư bản. Chúng ta phải chứng minh cho họ thấy tính ưu việt của chủ nghĩa cộng sản, không phải bằng lời nói mà bằng hành động.
Chúng ta phải tìm mọi phương cách để thu hút được sự quan tâm của đông đảo công nhân vốn vẫn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cải cách. Bộ máy quan liêu sẽ dùng mọi thủ đoạn vô liêm sỉ để cô lập những người cộng sản khỏi tầng lớp công nhân. Cấm đoán, bài xích, trục xuất, sự dối trá, vu khống, lăng mạ và tấn công đủ loại. Nhưng những người cộng sản sẽ luôn tìm mọi cách và mọi phương tiện để vượt qua những trở ngại này. Bộ máy quan liêu, vốn đang chiếm ưu thế trong các tổ chức công nhân, sẽ không bao giờ có thể ngăn cản những người cộng sản tiếp cận giai cấp công nhân.
Không có bộ khung phổ biến nào cho việc thực hành chiến thuật, vì chiến thuật được quyết định bởi những điều kiện cụ thể. Đây không phải là một câu hỏi mang tính nguyên tắc mà là một câu hỏi thực tế. Lênin luôn có thái độ linh hoạt trong các vấn đề chiến thuật. Chính Lenin, người đã kiên quyết từ bỏ Đảng Dân chủ Xã hội vào năm 1914 và ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản độc lập ở Anh, lại là người đề xuất đảng của Anh nộp đơn xin gia nhập Đảng Lao động, trong khi vẫn duy trì chương trình, biểu ngữ và chính sách của riêng mình.
Trong những hoàn cảnh nhất định, có thể cần phải huy động toàn bộ lực lượng của chúng ta vào các tổ chức cải cách để lôi kéo tầng lớp công nhân cánh tả vào một vị thế cách mạng vững chắc.
Tuy nhiên, các điều kiện ở giai đoạn hiện tại, chưa cho phép điều này. Song, lúc nào cũng cần phải tìm đường tiếp cận với giai cấp công nhân. Đó không phải là vấn đề chiến thuật mà là vấn đề sinh tử đối với đội tiên phong cộng sản.
Những người cộng sản, ngay cả khi hoạt động như một đảng độc lập, cũng có nghĩa vụ phải làm việc với các tổ chức quần chúng của giai cấp công nhân, theo đuổi chiến thuật mặt trận thống nhất ở mọi nơi có thể, nhằm tìm đường đến với quần chúng. Đây là điều vỡ lòng căn bản dành cho bất kỳ ai dù chỉ mới biết đến những ý tưởng và phương pháp của Marx, Engels, Lenin và Trotsky.
Chính sách của chúng ta chính là dựa trên lời khuyên của Lênin và các luận điểm của bốn đại hội đầu tiên của Quốc tế Cộng sản. Nếu những kẻ bè phái chỉ trích chúng ta không hiểu được điều này, thì thật đáng tiếc thay cho họ.
Chúng ta đang chiến đấu vì điều gì?
Về bản chất, mục tiêu của những người cộng sản cũng giống như mục tiêu của công nhân nói chung. Chúng tôi ủng hộ việc xóa bỏ hoàn toàn nạn đói và tình trạng vô gia cư; đảm bảo có việc làm điều kiện tốt; giảm tuyệt đối số giờ làm việc và giành lại thời gian rảnh rỗi; nhắm đến một hệ thống chăm sóc sức khỏe và giáo dục chất lượng cao, được đảm bảo cho tất cả; chấm dứt chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh; chấm dứt sự tàn phá môi trường điên cuồng trên hành tinh của chúng ta.
Nhưng chúng tôi cũng chỉ ra rằng, trong điều kiện khủng hoảng tư bản chủ nghĩa, những mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, và rằng điều này cuối cùng chỉ có thể thành công khi nó dẫn đến việc tước đoạt quyền sở hữu của các chủ ngân hàng và nhà tư bản. Chính vì lý do này mà Trotsky đã phát triển ý tưởng về những yêu cầu chuyển tiếp.
Những người cộng sản sẽ can thiệp bằng tất cả sức lực của mình vào mọi cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân. Những yêu cầu cụ thể mà người cộng sản nêu ra trong phong trào tất nhiên sẽ thay đổi thường xuyên tuỳ theo sự thay đổi của tình thế và sẽ khác nhau tùy theo điều kiện của mỗi nước. Vì vậy, các yêu sách, máy móc, cứng ngắc sẽ không phù hợp trong bản tuyên ngôn này.
Dù vậy, phương pháp mà những người cộng sản ở tất cả các nước sử dụng để đưa ra các yêu sách của mình đã được Trotsky xây dựng một cách xuất sắc vào năm 1938, và được công bố trong tài liệu kinh điển của Quốc tế thứ Tư mang tên “Cái chết thống khổ của chủ nghĩa tư bản và các nhiệm vụ của Quốc tế thứ tư” – hay thường được gọi là “Chương trình chuyển tiếp[7].”
Những yêu cầu nêu trong văn kiện đó thể hiện sự tổng kết cương lĩnh của Lênin và những người Bolshevik được nêu trong các luận cương, văn kiện đã công bố của bốn đại hội đầu tiên của Quốc tế Cộng sản.
Ý tưởng cơ bản về chương trình chuyển tiếp có thể được trình bày một cách đơn giản như sau. Trotsky giải thích rằng trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản suy tàn, bất kỳ cuộc đấu tranh nghiêm túc nào nhằm nâng cao mức sống chắc chắn sẽ “vượt quá giới hạn của quan hệ sở hữu tư bản chủ nghĩa và của nhà nước tư sản”.
Cũng như trong chiến tranh, các trận chiến phòng thủ có thể chuyển thành thế tấn công, như vậy, trong đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh vì những yêu cầu trước mắt, trong những hoàn cảnh nhất định, có thể dẫn đến một bước nhảy vọt về nhận thức và vận động theo hướng đấu tranh cách mạng giành quyền lực.
Xét cho cùng, không cuộc cải cách nào có thể có được tính chất lâu dài trừ khi nó gắn liền với việc lật đổ trật tự tư sản.
Những người cộng sản đấu tranh để giải phóng hoàn toàn giai cấp công nhân, để thoát khỏi sự áp bức và nỗi thống khổ của công việc cực nhọc. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách phá hủy nhà nước tư sản, tước đoạt tư liệu sản xuất và áp dụng kế hoạch xã hội chủ nghĩa dưới sự kiểm soát và quản lý của công nhân dân chủ.
Tương lai của nhân loại phụ thuộc vào điều này. Theo lời của nhà Marxist vĩ đại người Ireland James Connolly:
“Những yêu cầu khiêm tốn nhất của chúng tôi là,
Chúng tôi chỉ muốn có Trái Đất"
Chủ nghĩa cộng sản có phải là một lý tưởng không tưởng?
Nơi ẩn náu cuối cùng của những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản là nói rằng không có giải pháp thay thế nào cho hệ thống suy đồi của họ. Nhưng có ai có lý trí mà có thể tin được điều này?
Có thực sự đúng là loài người không có khả năng hình dung ra một hệ thống vượt trội hơn so với tình hình khủng khiếp hiện nay? Một khẳng định tuyệt vời như vậy thể hiện sự phỉ báng nhục mạ đối với trí thông minh của nhân loại.
Việc xóa bỏ chế độ độc tài của giới chủ ngân hàng và tư bản sẽ cho phép tạo ra một nền kinh tế được hoạch định hợp lý nhằm thỏa mãn nhu cầu của nhân loại chứ không phải lòng tham tham lam của một số ít tỷ phú.
Giải pháp này là điều hiển nhiên đối với bất kỳ ai chịu suy nghĩ nghiêm túc. Và điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta. Đó là cách duy nhất để xóa bỏ đói nghèo, chiến tranh và tất cả những tệ nạn khác của chủ nghĩa tư bản, đồng thời tạo ra một thế giới phù hợp cho con người sinh sống.
Những kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản cho rằng đây là một ý tưởng không tưởng. Lời buộc tội này có vẻ mỉa mai. Việc một hệ thống kinh tế xã hội tồn tại vất vưởng lâu hơn sứ mệnh lịch sử của nó mới là điều không tưởng, sự tồn tại của nó mâu thuẫn trắng trợn với nhu cầu thực tế của xã hội. Một hệ thống như vậy không có quyền tồn tại và sẽ được ném vào sọt rác của lịch sử.
Chẳng có gì không tưởng về chủ nghĩa cộng sản. Ngược lại, các điều kiện vật chất cho một xã hội loài người mới và cao cấp hơn đã tồn tại trên quy mô toàn thế giới và đang nhanh chóng chín muồi.
Những tiến bộ to lớn trong khoa học và công nghệ mang đến một tương lai hứa hẹn về một thế giới không còn cái nghèo, vô gia cư và đói khát. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, kết hợp với robot hiện đại có thể giúp giảm thời gian làm việc đến mức mà cuối cùng, mọi người sẽ không còn phải lao động ngoại trừ lao động vì bản thân.
Việc xóa bỏ chế độ nô lệ lao động chính là tiền đề vật chất cho một xã hội không giai cấp. Điều này là hoàn toàn khả thi. Đây không phải là điều không tưởng mà là điều nằm trong tầm tay của chúng ta. Một thế giới mới đang trong quá trình hình thành, phát triển âm thầm nhưng vững chắc trong lòng thế giới cũ.
Nhưng dưới chủ nghĩa tư bản, mọi thứ đều diễn ra theo hướng ngược lại. Trong một hệ thống mà mọi thứ đều phụ thuộc vào động cơ lợi nhuận, mọi tiến bộ công nghệ mới đều biểu thị sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp cùng với việc kéo dài ngày làm việc, cũng như sự gia tăng tình trạng bóc lột và nô lệ.
Tất cả những gì chúng tôi đề xuất là thay thế một hệ thống bất công và phi lý, trong đó mọi thứ đều phụ thuộc vào lòng tham vô độ của một số ít, bằng một nền kinh tế kế hoạch hợp lý và hài hòa, dựa trên sản xuất để thỏa mãn nhu cầu của con người.
Vì một Quốc tế Cộng sản đích thực!
Ba thập kỷ trước, vào thời điểm Liên Xô sụp đổ, Francis Fukuyama đã đắc thắng tuyên bố sự kết thúc của lịch sử. Nhưng lịch sử không dễ dàng bị loại bỏ như vậy. Nó vẫn tiếp tục con đường của mình, bất chấp ý kiến của những đám bồi bút tư sản. Và bây giờ bánh xe lịch sử đã quay ngoắt 180 độ.
Sự sụp đổ của Liên Xô chắc chắn là một bị kịch lịch sử vĩ đại. Nhưng nhìn lại, nó sẽ chỉ được coi là khúc dạo đầu cho một vở đại kịch lớn hơn nhiều – cuộc khủng hoảng kết liễu chủ nghĩa tư bản.
Vì những lý do nêu trên, cuộc khủng hoảng hiện nay về bản chất sẽ kéo dài. Nó có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm, có lúc thăng lúc trầm, do thiếu vắng yếu tố chủ quan. Tuy nhiên, đây chỉ là một mặt của đồng xu.
Cuộc khủng hoảng sẽ còn kéo dài nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ hòa bình và yên tĩnh. Ngược lại! Chúng ta đã bước vào thời kỳ hỗn loạn và xáo trộn nhất trong lịch sử thời hiện đại.
Cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến nước này đến nước khác. Giai cấp công nhân sẽ có nhiều cơ hội nắm chính quyền. Những thay đổi sắc nét và đột ngột là tiềm ẩn trong cả tình huống. Chúng có thể bùng phát vào lúc ta ít ngờ tới nhất. Chúng ta phải có sự chuẩn bị.
Không còn cần phải thuyết phục nhiều tầng lớp thanh niên về tính ưu việt của chủ nghĩa cộng sản. Họ đã là người cộng sản rồi. Họ đang tìm kiếm một biểu ngữ trong sạch, một tổ chức đã đoạn tuyệt hoàn toàn với chủ nghĩa cải cách và chủ nghĩa cơ hội 'cánh tả' hèn nhát.
Chúng ta phải thực hiện mọi biện pháp thiết thực có thể để tìm và tuyển mộ họ. Điều này liên quan đến việc tuyên bố thành lập một đảng mới và một Quốc tế mới. Tình hình hiện tại đòi hỏi điều này. Đó là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, không được chậm trễ.
Điều cần thiết là một Đảng Cộng sản chân chính, dựa trên tư tưởng của Lênin và các nhà giáo dục Mácxít vĩ đại khác, và một Quốc tế theo đường lối trong 5 năm đầu tiên của Quốc tế Cộng sản.
Chúng ta vẫn còn quá nhỏ bé khi đứng trước những nhiệm vụ to lớn mà chúng ta phải và chúng ta không hề ảo tưởng về điều đó. Nhưng sự thực là mọi phong trào cách mạng trong lịch sử luôn bắt đầu là một yếu tố nhỏ bé, tưởng chừng như không đáng kể.
Chúng ta có công việc quan trọng phải làm và công việc đó đã mang lại kết quả quan trọng và đang đạt đến giai đoạn quyết định.
Chúng ta đang phát triển nhanh chóng bởi vì chúng ta đang hòa cùng dòng chảy của lịch sử. Trên hết chúng ta có những ý tưởng đúng đắn. Lênin nói chủ nghĩa Mác có sức mạnh toàn năng, đơn giản vì nó đúng. Thực tế này củng cố niềm tin của vào tương lai của chúng ta.
Nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng vĩ đại người Pháp Fourier đã định nghĩa chủ nghĩa xã hội là con đường biến tiềm năng của loài người thành hiện thực.
Dưới chế độ cộng sản, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, những cánh cửa sẽ được mở ra cho quần chúng để họ thực sự nắm bắt được cả thế giới văn hóa vốn đã bị từ chối đối với họ. Con đường sẽ rộng mở cho sự nở rộ của nghệ thuật, âm nhạc và văn hóa chưa từng thấy trong suốt chiều dài lịch sử.
Vì một thế giới mới, mà ở đó cuộc sống sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Và lần đầu tiên, loài người sẽ được nâng lên tầm vóc thực sự của mình trên cơ sở bình đẳng hoàn toàn. Đó sẽ là bước nhảy vọt của loài người từ địa hạt của những nhu cầu thiết yếu đến địa hạt của tự do[8].
Con người sẽ không còn phải hướng mắt lên mây để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi chết. Họ sẽ trải nghiệm một thế giới mới, trong đó chính cuộc sống, khi được thanh lọc khỏi áp bức, bóc lột và bất công, sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn mới.
Đó là điều tuyệt vời mà chúng ta đang đấu tranh để đạt được: một thiên đường trên thế giới này.
Đó chính là ý nghĩa của chủ nghĩa cộng sản thực sự.
Đó là lý do duy nhất đáng để đấu tranh.
Đó là lý do tại sao chúng ta là người cộng sản!
Mỗi người trong chúng ta có trách nhiệm đảm bảo rằng nhiệm vụ này phải được thực hiện ngay lập tức, không do dự và với niềm tin tuyệt đối rằng chúng ta sẽ thành công.
Khẩu hiệu chiến đấu của chúng ta sẽ là:
Đả đảo bọn đế quốc ăn cướp!
Đả đảo chế độ nô lệ tư bản!
Tịch thu quyền sở hữu của các chủ ngân hàng và nhà tư bản!
Chủ nghĩa cộng sản muôn năm!
Vô sản các nước, đoàn kết lại!
Hướng tới xây dựng một Quốc tế mới!
[1] Ý rằng đế quốc Mỹ không còn có thể vơ vét của cải thế giới được như đế quốc Anh thuở xưa, dù là siêu cường số 1 nhưng lại không thể đạt được sự giàu có tương đương, đoạn sau sẽ đi sâu vào giải thích.
[2] Nói lái từ "gendarmerie", ám chỉ đế quốc Mỹ tự coi mình là có quyền can thiệp vào nội bộ của các nước khác.
[3] Một nguyên tắc trong lý thuyết quan hệ quốc tế về chiến tranh hạt nhân, khi các phe tham chiến đều không đạt được thắng lợi, mà thay vào đó đều bị tiêu diệt và đảm bảo đối phương không còn khả năng hồi phục.
[4] Tuyên ngôn được viết trước khi Biden rút lui khỏi bầu cử Mỹ.
[5] Từ bỏ chủ nghĩa Marx.
[6] Nguyên văn: Labour lieutenants of capital
[7]Nguyên văn: Transitional Program
[8] Ý chỉ khi loài người đáp ứng được và không còn phải lo nghĩ về những nhu cầu thiết yếu, họ sẽ có được tự do để theo đuổi những nhu cầu chính đáng của mình.