Gần đây trong một loạt phim tài liệu mang tên “Bậc thầy kiếm tiền” BBC đã tiến hành khám phá những ý tưởng của ba gã khổng lồ của nền kinh tế học: Keynes, Hayek và Marx. Trong bài viết này, chúng tôi cũng so sánh và đối chiếu các ý tưởng của họ đặt trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tư bản hiện đại, để xem liệu bất kỳ ai trong số này và các bài viết của họ thực sự có câu trả lời để giải quyết các vấn đề mà xã hội chúng ta phải đối mặt ngày nay.
Việc lần đầu tiên có một loạt phim truyền hình với nội dung khám phá ba nhà kinh tế chính trị này và những ý tưởng của họ về khủng hoảng kinh tế là một dấu hiệu rõ nét về thời đại mà chúng ta đang sống. Cuộc khủng hoảng hiện nay - cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong lịch sử chủ nghĩa tư bản - đang khiến mọi người đặt nghi vấn về toàn bộ hệ thống kinh tế và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: chúng ta có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này bằng cách nào?
Trong nhiều thập kỷ, các học thuyết kinh tế về thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản có sự can thiệp của nhà nước đã được trình bày như thể là những lựa chọn duy nhất, đặc biệt là sau sự sụp đổ của nền kinh tế kế hoạch ở Liên Xô mà người ta ví như là “sự kết thúc của lịch sử”. Sự lựa chọn này thường được thể hiện ra giống như một trận chiến đơn giản giữa hai bên: những người muốn điều tiết thị trường và những người tìm cách giải phóng chúng. Cái tên Hayek thường được liên kết với những người hết lời ca ngợi về thị trường tự do và rao giảng về sự cần thiết phải giải phóng bàn tay vô hình của chủ nghĩa tư bản. Trong khi đó, chủ nghĩa Keynes lại thịnh hành trong những người ủng hộ sự kích thích của chính phủ và sự điều tiết nền kinh tế. Thậm chí một bản rap “Keynes vs Hayek” đã được tạo ra để giải thích cuộc chiến ý tưởng này và đã đạt được hàng triệu lượt truy cập.
Ngày hôm nay, chúng ta thường nghe thấy những lời kêu gọi về “việc làm, đầu tư và tăng trưởng”, những từ đã trở thành câu thần chú của các nhà lãnh đạo phong trào lao động, những người hứa hẹn một sự thay thế cho “thắt lưng buộc bụng”. Nhưng “khổ hạnh vs tăng trưởng” là một sự chia tách sai lầm. Những từ này được trình bày dưới dạng hai cực đối lập, nhưng trên thực tế, chúng chỉ đơn giản là hai mặt của cùng một ý thức hệ của giai cấp tư sản và như vậy học thuyết Keynes - không phải là một giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng ngày nay - một cuộc khủng hoảng cơ hữu của chủ nghĩa tư bản.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu bắt đầu từ năm 2007-08 - và tiếp tục thêm sâu sắc cho tới ngày nay - đã khiến nhiều nhà bình luận phải tái xem xét lại các ý tưởng của Hayek và Keynes để tìm câu trả lời về nguyên nhân gây ra khủng hoảng và thậm chí xa hơn nữa, là làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi nó. Nhưng khi cuộc khủng hoảng bước sang năm thứ năm, ngày càng có nhiều người đang nhận ra rằng đó không chỉ đơn giản là câu hỏi về ‘thị trường tự do vs. can thiệp”, hay “thắt lưng buộc bụng vs. tăng trưởng”, mà thay vào đó là sự nghi ngờ toàn bộ hệ thống tư bản . Do đó mà các ý tưởng của Marx đang dần trở nên phổ biến và ngày càng có nhiều người nói rằng: Marx đã đúng.
Keynes là ai?
Thật giống trò đùa khi chủ nghĩa Keynes ngày nay lại trở thành hệ tư tưởng thống trị trong phong trào lao động, vì chính Keynes đã không ít lần cởi mở rằng mình đại diện cho lợi ích của giai cấp tư sản, và nói rằng trong cuộc chiến giai cấp bạn sẽ thấy tôi đứng về phía giai cấp tư sản được giáo dục. Ông đã công khai đối nghịch với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Bolshevik, và cuộc Cách mạng Nga, và ông là một cố vấn kinh tế, thành viên suốt đời của Đảng Tự do, đảng điển hình của chủ nghĩa tư bản Anh cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Giống như tất cả các nhà kinh tế - chính trị, Keynes là một sản phẩm của thời đại ông; sản phẩm của một số điều kiện lịch sử, vật chất nhất định. Các đại diện trước đây của nền kinh tế chính trị tư sản, như Adam Smith và David Ricardo, là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản chưa được phát triển đầy đủ và vẫn đang đóng vai trò tiến bộ. Trong bối cảnh mà chủ nghĩa tư bản còn non nớt, các nhà kinh tế học “cổ điển” chỉ có thể hiểu và phân tích hệ thống tư bản một cách giới hạn. Chỉ với sự phát triển hơn nữa của chủ nghĩa tư bản, với khối lượng bằng chứng, kinh nghiệm tích lũy từ sự phát triển đó, bao gồm kinh nghiệm về sự bùng nổ và sụt giảm lặp đi lặp lại, Marx mới có thể khám phá ra bản chất thực sự của chủ nghĩa tư bản, như các quá trình và mối quan hệ thực sự ẩn sau giá trị và khủng hoảng, như chính Marx đã giải thích trong Tư bản:
Trên nhiều khía cạnh, Ricardo là đỉnh cao của kinh tế - chính trị tư sản. Marx từng mô tả những môn đệ của Ricardo là những nhà kinh tế học “thô bỉ”, do cái cách lươn lẹo thô thiển mà họ cố gắng dùng để giải thích và giải quyết những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản mà không đoạn tuyệt với chính nó. Marx giải thích rằng chính những mâu thuẫn trong lòng chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến khủng hoảng định kỳ; bất kỳ nỗ lực nào để xóa bỏ những mâu thuẫn mà không đoạn tuyệt với chủ nghĩa tư bản sẽ thất bại.
Thay vì đưa ngành kinh tế - chính trị tiến lên và phát triển sự hiểu biết lớn hơn về chủ nghĩa tư bản, các nhà lý luận kinh tế sau này đã đi ngược lại. Đặc biệt, với sự phát triển lịch sử của tư bản tài chính và sự tách biệt ngày càng tăng giữa chủ sở hữu tư bản và quy trình sản xuất thực tế - một quá trình mà Marx đã bắt đầu nghiên cứu rất chi tiết trong chương III cuốn Tư bản – Một chủ đề bất tận của phái tân kinh tế. Học thuyết kinh tế tư sản và duy tâm này, với tên gọi lý thuyết cận biên, đã loại bỏ hầu hết những thứ hữu ích trong các học thuyết của Smith và Ricardo – bởi một phân tích duy vật, kỹ lưỡng dựa trên những ý tưởng này chắc chắn sẽ dẫn đến kết luận rằng chủ nghĩa tư bản bị mâu thuẫn, như Marx đã kết luận - thay vào đó là chấp nhận một quan điểm phiến diện về chủ nghĩa tư bản, trong đó mọi thứ được xác định bởi bàn tay vô hình của thị trường và các lực lượng cung - cầu. Quan điểm này thực chất phản ánh vai trò ngày càng tăng của ngân hàng và đầu cơ - nền kinh tế lợi tức nơi mà giai cấp tư sản không còn trực tiếp sở hữu các phương tiện sản xuất và quản lý doanh nghiệp của riêng họ, mà đơn giản chỉ là các nhà đầu cơ đang tối đa hóa lợi nhuận từ vốn của mình bằng mọi cách có thể.
Keynes coi thường nền kinh tế lợi tức này, mà ông coi là một kẻ hủy diệt lớn của toàn bộ hệ thống kinh tế:
Và sau đó:
Đối với Keynes, vấn đề không phải ở bản thân chủ nghĩa tư bản, mà đơn giản chỉ là chủ nghĩa tư bản của “Laissez –faire” ( Chủ nghĩa tư bản tự do phóng nhiệm), trong đó thị trường và các nhà đầu cơ không được kiểm soát, mải miết theo đuổi lợi nhuận cá nhân mà thoái thác trách nhiệm với phần còn lại của xã hội, như sau:
Và:
Keynes mong mỏi một sự quay trở lại “những ngày tốt lành xa xưa”, trong đó giai cấp tư sản là những nhà công nghiệp có trách nhiệm, đầu tư vì lợi ích chung của cộng đồng và xã hội. Nói cách khác, Keynes muốn lái bánh xe lịch sử trở lại một thời điểm trong tưởng tượng khi chủ nghĩa tư bản đi cùng trách nhiệm. Tới đây, ta có thể thấy làm sao mà các ý tưởng của Keynes lại hấp dẫn đối với các nhà lãnh đạo cải cách trong phong trào lao động hiện đại, những người đã hoàn toàn chấp nhận chủ nghĩa tư bản và chối bỏ mọi ý tưởng thay đổi xã hội. (Thậm chí đề xuất về thuế giao dịch tài chính của keynes giờ đây đã trở thành điểm chính trong chương trình nghị sự của các nhà cải cách hiện đại.) Những ngôn từ đồng điệu được phát ra từ miệng các nhà cải cách hôm nay, họ đổ lỗi cho “chủ nghĩa tân tự do”, “sự mất kiểm soát”, “sự hoang dã” làm nên cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản ngày nay. Nhưng bản chất thực sự của chủ nghĩa tư bản đã như vậy từ thuở lọt lòng, và mọi mưu toan để điều chỉnh nó thành một thứ “dễ mến” và “trách nhiệm” thật là không tưởng; xem ở đây.
Chủ nghĩa Keynes là gì?
Để phản ứng với các sự kiện xung quanh mình, ý tưởng của Keynes đã liên tục thay đổi theo thời gian, đó là điều mà ông luôn tự hào, để đáp lại những lời chỉ trích rằng quan điểm của ông không nhất quán Keynes nói: “Khi thông tin của tôi thay đổi, tôi thay đổi kết luận của mình. Có vấn đề gì với nó chứ, thưa ngài?” Tuy nhiên, những gì là chủ nghĩa Keynes thường được nhắc tới ngày nay là những ý tưởng của Keynes trong những năm 1930, đặc biệt là “Lý thuyết chung về việc làm, lợi nhuận và tiền” (thường được gọi là “Lý thuyết chung”), đó là cơ sở cho phần lớn học thuyết kinh tế vĩ mô của tư sản hiện đại.
Những ý tưởng được Keynes trình bày trong Lý thuyết chung được định hình bởi rất nhiều sự kiện lịch sử; đặc biệt bởi cuộc Đại khủng hoảng và thảm họa thất nghiệp hàng loạt hiển hiện trong xã hội công nghiệp hóa, với tỷ lệ thất nghiệp duy trì thường xuyên ở mức 10-25%. Keynes đã cố gắng giải đáp hiện tượng này, và quan trọng hơn là tìm ra giải pháp. Trước đây các nhà kinh tế học tư sản chỉ cố gắng tìm cách biện minh cho chủ nghĩa tư bản về mặt lý thuyết; những người như vậy chỉ là những kẻ biện hộ cho chủ nghĩa tư bản. Còn Keynes tự coi mình là một người theo chủ nghĩa thực dụng, không còn đơn thuần cố gắng biện minh cho chủ nghĩa tư bản về mặt lý thuyết mà đang cố gắng cứu nó trên thực tế - hay cứu nó khỏi chính nó.
Keynes tự xem mình như là thành viên của “giai cấp tư sản có giáo dục”, và coi vai trò của nhà nước nói chung là can thiệp vào việc điều hành chủ nghĩa tư bản và điều chỉnh nó - không phải vì lợi ích của những người lao động bình thường, mà vì lợi ích của chính nó, chủ nghĩa tư bản - để khắc phục mâu thuẫn lợi ích giữa cá nhân các nhà tư bản và lợi ích chung của toàn thể giai cấp tư sản. Nói cách khác, Keynes muốn chủ nghĩa tư bản không còn mâu thuẫn nữa.
Những mâu thuẫn và sản xuất thừa
Mâu thuẫn này, phát sinh do quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất – đồng nghĩa với việc sản xuất và cạnh tranh giữa các cá nhân để theo đuổi lợi nhuận – đó là toàn bộ bản chất của chủ nghĩa tư bản, chịu trách nhiệm cho cả sức tiến bộ và sự tàn phá của nó trong lịch sử.
Như loạt phim của BBC “Bậc thầy về tiền bạc” đã chỉ ra một cách chính xác, Marx (và Engels) không mù quáng trước những thành tựu của chủ nghĩa tư bản, họ cũng không lãng mạn hóa chế độ phong kiến và đời sống nông thôn (thực tế, trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Marx và Engels đã mô tả chủ nghĩa tư bản giống như “một đấng cứu thế cho đa số người dân khỏi đời sống nông thôn lạc hậu”). Dưới nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản để theo đuổi lợi nhuận dẫn đến một phần lớn lợi nhuận liên tục được tái đầu tư vào những khám phá mới, khoa học và công nghệ tiến bộ, cùng các phương tiện sản xuất mới để giảm chi phí sản xuất, đánh bại đối thủ cạnh tranh và gia tăng thị phần. Do đó trong những ngày đầu lịch sử, chủ nghĩa tư bản đã vô cùng tiến bộ trong khả năng tăng năng suất, phát triển lực lượng sản xuất xã hội và tạo ra nguồn của cải khổng lồ. Như Marx và Engels đã khẳng định trong Tuyên ngôn cộng sản:
Nhưng quá trình sở hữu và cạnh tranh tư nhân này chứa đựng hạt giống của sự hủy diệt chính nó. Để tối đa hóa lợi nhuận các nhà tư bản đã trả cho công nhân của họ càng ít càng tốt. Tuy nhiên, những đồng lương này - và tiền lương của những người lao động được các nhà tư bản khác thuê - chính tạo thành cầu cho các hàng hóa mà chủ nghĩa tư bản sản xuất, tức là thị trường. Một mặt để tối đa hóa lợi nhuận mỗi nhà tư bản muốn trả cho công nhân của mình ít nhất có thể; nhưng một mặt, anh ấy hay cô ấy lại muốn các nhà tư bản khác trả cho công nhân của họ càng nhiều càng tốt để những công nhân này có thể mua hàng hóa đang được sản xuất.
Tuy vậy, các nhà tư bản khác cũng đang cố gắng làm điều tương tự; và do đó, khi các nhà tư bản cạnh tranh với nhau, cố gắng tối đa hóa lợi nhuận của chính mình, họ đã cắt giảm toàn bộ tiền lương của giai cấp công nhân, làm suy giảm thị trường và phá hủy cơ sở để họ có thể bán hàng hóa và nhận lại lợi nhuận. Chính quá trình cạnh tranh giữa các nhà tư bản với nhau - mỗi quyết định đều hoàn toàn hợp lý theo quan điểm cá nhân của chính họ - dẫn tới một kết quả trên tổng thể rõ ràng là không hợp lý đối với toàn bộ giai cấp tư sản.
Marx từ lâu đã thừa nhận và giải thích mâu thuẫn cố hữu này của chủ nghĩa tư bản - mâu thuẫn của sản xuất thừa, trong đó việc mở rộng sản xuất để theo đuổi lợi nhuận đồng thời dẫn đến giảm khả năng thu hồi lợi nhuận. Những người đi sau Marx và những người cố gắng tìm giải pháp cho khủng hoảng nhưng vẫn trong giới hạn của chủ nghĩa tư bản đã buộc phải phớt lờ ông và tránh né những ý tưởng của ông càng xa càng tốt, thay vào đó là cách giải thích phiến diện về khủng hoảng. Đối với Keynes, vấn đề chính là câu hỏi về nhu cầu - hay “cầu hiệu quả” - như nhiều lần ông đề cập; còn đối với Hayek, vấn đề chính là câu hỏi về nguồn cung - đặc biệt là nguồn cung tiền.
Quy luật của Say
Để giải thích các hiện tượng của Đại suy thoái và thất nghiệp hàng loạt, Keynes đã phải bác bỏ nhiều giả định được thiết lập trong kinh tế học cổ điển. Vì điều này, Keynes đã được cho là gây ra một “cuộc cách mạng” trong lý thuyết kinh tế. Trên thực tế, không có gì mới trong những gì Keynes nói, và hầu hết các ý tưởng của ông đã được thể hiện chính xác, rõ ràng và kỹ lưỡng hơn trong các tác phẩm của Marx và Engels; Keynes chỉ đơn thuần là đóng gói ý tưởng của mình theo cách dễ chấp nhận hơn với giai cấp tư sản.
Đặc biệt, Keynes đã tấn công những gì được gọi là “Quy luật của Say”, được phát triển bởi Jean Baptiste Say (mặc dù ông không phải là người đầu tiên “khám phá” ra), ông là một nhà kinh tế học cổ điển của Pháp cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Luật của Say thường được đề cập dưới dạng ý tưởng rằng cung sẽ tự tạo ra nhu cầu của chính nó; mỗi một người bán sẽ dẫn đến một người mua cho thị trường. Ngày nay, chính quy luật này là cơ sở cho giả thuyết về “thị trường hiệu quả” - đó là lý thuyết được đưa ra bởi những người ủng hộ nhiệt tình nhất cho thị trường tự do – ý tưởng được đề xuất rằng nếu để mặc nó, về lâu dài các lực lượng thị trường sẽ tự giải quyết tất cả các vấn đề và sẽ luôn có được một trạng thái cân bằng giữa cung và cầu. Nhưng như Keynes đã chỉ ra, “Về lâu dài thì tất cả chúng ta đều chết rồi”.
Marx đã bác bỏ quy luật của Say từ lâu. (Trên thực tế, chỉ sự hiện diện của các cuộc khủng hoảng định kỳ đã đủ để bác bỏ quy luật của Say!) Trong Tập II của Tư bản, Marx đã giải thích sự tích lũy và tái tạo tư bản xảy ra dưới nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bằng một lược đồ, trong đó nền kinh tế được chia thành hai lĩnh vực: Bộ phận một, là các phương tiện sản xuất - tức là hàng hóa tư bản hay “tư liệu sản xuất” - được sản xuất; và bộ phận hai, là hàng tiêu dùng, được tiêu thụ bởi người công nhân (hoặc nhà tư bản) được sản xuất.
Marx đã chỉ ra rằng trong điều kiện lý tưởng, quy luật của Say thực sự đúng - nền kinh tế sẽ có thể đạt được trạng thái cân bằng. Nhưng Marx đã chứng minh rằng trạng thái cân bằng này chỉ có thể đạt được trên cơ sở là giai cấp tư sản liên tục tái đầu tư lợi nhuận của mình vào hàng hóa tư bản mới - tức là máy móc, công xưởng và cơ sở hạ tầng. Một mặt, quá trình này là thứ cho phép chủ nghĩa tư bản đóng vai trò tiến bộ trong lịch sử một thời gian dài - phát triển các phương tiện sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ mới (do đó làm tăng năng suất), từ đó mở ra khả năng để sản xuất ra một khối lượng tài sản lớn hơn.
Ở mặt khác, quá trình này cũng chứa đựng những mâu thuẫn cố hữu: “trạng thái cân bằng” chỉ là tạm thời và không ổn định, vì những phương tiện sản xuất mới được tạo ra lại phải được đưa vào hoạt động để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn hơn, đến lượt nó phải tìm được một thị trường (tức là nhu cầu) để có thể bán và thu về lợi nhuận. Nói cách khác, chủ nghĩa tư bản đạt được trạng thái cân bằng nhất thời, nhưng kết quả là lại tạo ra một mâu thuẫn thậm chí còn lớn hơn về lâu dài, do đó mở đường cho một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn trong tương lai. Chính Keynes đã thừa nhận điều này khi nói rằng:
Tuy nhiên, không giống như Marx, Keynes không phải là người theo chủ nghĩa duy vật triệt để và biện chứng, và do đó không đưa ra kết luận đầy đủ về tuyên bố này, vì Marx đã thực hiện nhiều thập kỷ trước đó - kết luận rằng sản xuất thừa là mâu thuẫn cố hữu trong chủ nghĩa tư bản, xuất phát từ quyền tư hữu các phương tiện sản xuất và động lực sản xuất vì lợi nhuận của nó.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng
Các lược đồ tích lũy và tái sản xuất được Marx phác thảo trong Tập II của bộ Tư bản chính xác là: Các lược đồ; tóm tắt khái quát của một quá trình phức tạp; trung bình dài hạn, không thể đạt được thông qua quá trình thay đổi tuyến tính chậm và trơn tru, mà chỉ thông qua một quá trình năng động và hỗn loạn - tức là một quá trình biện chứng của mâu thuẫn và khủng hoảng. Nói cách khác, các cân bằng cơ hữu này là các cân bằng động - liên tục được thiết lập và sau đó bị phá vỡ - kết quả từ một quá trình phức tạp vô tận, thay vì các cân bằng tĩnh được hình thành bởi những người ủng hộ Quy luật của Say, người đã tưởng tượng rằng nền kinh tế là một hệ thống cơ học đơn giản, di chuyển tuyến tính như chiếc đồng hồ.
Stephanie Flanders, người dẫn chương trình của Bậc thầy kiếm tiền, tuyên bố rằng Keynes, Hayek và Marx đều có một điểm chung: họ hiểu cả sự vượt trội của chủ nghĩa tư bản cũng như sự bất ổn vốn có của nó. Nhưng trong khi Keynes và Hayek nghĩ rằng có thể chắt lọc chủ nghĩa tư bản hoặc điều chỉnh để tách các yếu tố “vượt trội” ra khỏi sự bất ổn chung, thì chủ nghĩa Marx - sử dụng phương pháp duy vật biện chứng - cho thấy các yếu tố đóng vai trò tiến bộ ban đầu của chủ nghĩa tư bản - tức là cạnh tranh và tái đầu tư lợi nhuận vào công nghệ mới và phương tiện sản xuất để tạo ra lợi nhuận ngày một lớn hơn - cũng chính là những yếu tố dẫn tới sự mất ổn định vốn có của chủ nghĩa tư bản.
Chìa khóa cho phân tích của Marx về chủ nghĩa tư bản chính xác là áp dụng phương pháp duy vật biện chứng vào khoa kinh tế chính trị. Bản chất vô chính phủ của chủ nghĩa tư bản - xuất phát từ tư hữu, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và cạnh tranh vì lợi nhuận mà hệ quả tất yếu của chúng là những biến chuyển trong nền kinh tế phải diễn ra theo cách biện chứng và khủng hoảng triệt để, thay vì trơn tru, dần dần như những người đề xướng về lực lượng thị trường và "cung - cầu" vẫn tưởng tượng.
Sự mất cân bằng được chứng kiến dưới chủ nghĩa tư bản - tức là giữa sản xuất và tiêu dùng; giữa các lực lượng sản xuất ngày càng mở rộng và giới hạn của thị trường đối với hàng hóa tạo ra bởi chính các lực lượng sản xuất đó - là một phần vốn có của hệ thống vô chính phủ này, và có thể thấy trên mọi quy mô trong chủ nghĩa tư bản, chẳng hạn như sự bất cân xứng giữa các bộ phận khác nhau của nền kinh tế và thậm chí, chỉ trong một lĩnh vực duy nhất (do đó mà khiến tắc nghẽn trong sản xuất). Cách duy nhất để loại bỏ sự mất cân bằng này là loại bỏ tình trạng hỗn loạn của chính hệ thống tư bản - tức là một sản xuất được nên kế hoạch dân chủ và xã hội hóa theo ý chí của xã hội, thay vì sự điều tiết sản xuất bởi các thế lực thị trường mù quáng - như Marx đã giải thích trong bộ Tư bản:
Những hạn chế của các nhà kinh tế cổ điển và những người đề xướng hiện đại của thị trường tự do - tức là những người theo chủ nghĩa tiền tệ - chính xác là cách tiếp cận phi biện chứng của họ đối với kinh tế học. Đối với họ, nền kinh tế giống như một hệ thống cơ học đơn giản. Những giải thích của họ được xây dựng trên mô hình kinh tế kiểu Robinson Crusoe, trong đó tồn tại một cá nhân duy nhất trên một hòn đảo hoang vu vừa là nhà sản xuất duy nhất cũng vừa là người tiêu dùng duy nhất, hoặc tương tự như nền kinh tế trao đổi giản đơn, trong đó chỉ có sự trao đổi hàng hóa giữa các nhà sản xuất cá thể với nhau. Trong cả hai trường hợp, bằng cách đơn giản hóa kinh tế học xuống mức một cá thể hoặc trao đổi đơn giản giữa các nhà sản xuất riêng lẻ, các nhà kinh tế học tư sản đã bỏ qua mọi sự đề cấp tới sự phân chia xã hội thành giai cấp và cuộc đấu tranh giai cấp phát sinh bởi sự phân chia đó.
Thay vì xem xét các mô hình kinh tế học như là sự trừu tượng và tương đối tổng quát của một thực tế phức tạp vô hạn mà chúng thực sự là, các nhà kinh tế tư sản hiện đại nghĩ rằng các phương trình là thực tế và nền kinh tế phải phù hợp với mô hình của chúng. Thay vì làm cho các lý thuyết phù hợp với thực tế, các sự kiện buộc phải phù hợp với các lý thuyết. Một khuynh hướng duy tâm tương tự thường thấy trong vật lý hiện đại, theo đó các lý thuyết được đánh giá bởi vẻ đẹp và sự đơn giản của các phương trình, thay vì xem chúng có phù hợp với thực tiễn hay không và có thể giải thích như thế nào về các hiện tượng trong thực tế.
Trái ngược với cách tiếp cận duy tâm này, kinh tế học Mácxít - dựa trên quan điểm biện chứng và duy vật - tìm cách đưa ra kết luận khái quát bằng cách xem xét vô số sự kiện và kinh nghiệm lịch sử tập thể dưới chủ nghĩa tư bản (và của cả các hệ thống kinh tế của các xã hội giai cấp trước đó), từ đó mà lần lượt rút ra các quy luật và xu hướng hiện diện trong hệ thống phức tạp đó là nền kinh tế. Như Engels chỉ ra trong cuộc bút chiến chống lại Duhring:
Tuy nhiên, cũng có khuynh hướng ngược lại trong hệ tư tưởng tư sản tìm cách phủ nhận sự tồn tại của bất kỳ quy luật nào trong chủ nghĩa tư bản. Đối với những người này, lịch sử và nền kinh tế là những quá trình ngẫu nhiên, vượt ra ngoài phạm vi của nghiên cứu khoa học. Một khái niệm như vậy cũng không kém phần ảo tưởng như quan điểm cơ học của các nhà kinh tế cổ điển, chỉ có điều là đến từ chiều ngược lại.
Kinh tế và Khoa học
Stephanie Flanders trong chương trình "Bậc thầy kiếm tiền" nêu bật khuynh hướng giữa Keynes và Hayek xem nền kinh tế như là một thứ gì đó vốn không thể đoán trước. Cả hai quý ông này đều mong biến kinh tế chính trị thành một ngành khoa học nghiêm túc, tuy vậy, theo như Flanders, cả hai người họ đều coi chủ nghĩa tư bản như một hệ thống hoàn toàn không thể đoán trước, bởi tính phức tạp và hỗn loạn trong bản chất của nó. Một quan điểm như vậy, vừa không biện chứng vừa duy tâm, không tương thích với một quan điểm khoa học chân chính - trong khi chủ nghĩa Marx - nhìn thấy, trật tự phát sinh từ sự hỗn loạn; đồng thời dự đoán sự phát sinh đó từ những điều không thể đoán trước, như chúng tôi đã giải thích ở nơi khác.
Kinh tế học, tất nhiên, không phải là một môn khoa học chính xác theo kiểu như môn cơ học, do tính phức tạp của hệ thống và không thể cô lập nó khỏi phần còn lại của thế giới. Người ta không thể tạo ra các phòng thí nghiệm cho kinh tế thế giới ( dù vậy điều này vẫn không ngăn được những nhà kinh tế học như Milton Friedman của "trường phái Chicago" về chủ nghĩa tiền tệ - một người ủng hộ cực đoan của thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản tự do phóng nhiệm - cố gắng tạo ra các thí nghiệm xã hội trên cơ sở học thuyết kinh tế của họ, chẳng hạn như ở Chile dưới thời Tướng Pinochet); tuy nhiên, bằng cách quan sát sự đa dạng của các sự kiện và quá trình đang diễn ra, bằng cách so sánh kết quả của các sự kiện này với nhau, các biến và hằng số của chúng, người ta có thể xác định được những mâu thuẫn trong các quá trình và hình thành các quy luật để mô tả và dự đoán sự vận động cơ bản của hệ thống ở một quy mô nhất định.
Về mặt này, kinh tế cũng tương tự như y học, khí tượng học hoặc địa chất học. Một bác sĩ không thể luôn cho bạn biết chính xác bạn đang mắc bệnh gì hoặc vào thời điểm nào cái chết sẽ đến; Các nhà dự báo thời tiết hoặc địa chấn cũng không thể cho bạn biết chính xác thời tiết vào tháng tới hoặc khi nào thì trận động đất tiếp theo sẽ xảy ra. Tuy nhiên, các bác sĩ, nhà khí tượng học và nhà địa chấn học đều có thể đưa ra dự đoán, thường là rất chính xác - ở một mức độ nhất định, và độ chính xác của những dự đoán này liên tục tăng lên khi sự hiểu biết về khoa học được cải thiện trên cơ sở kinh nghiệm và khảo sát.
Một sự tương tự cũng có thể được rút ra với nhiệt động lực học. Hành vi của một phân tử khí riêng lẻ, bị cô lập có thể được mô tả bằng cơ học Newton; tuy nhiên, hành vi của hạt riêng lẻ này sẽ trở nên khó lường ngay khi chúng ta khảo sát một thùng chứa hàng trăm hoặc hàng ngàn phân tử khí, tất cả đều tương tác với nhau. Tuy nhiên, trong hệ thống phức tạp đến khó tin này, người ta vẫn có thể rút ra những định luật đơn giản, mô tả một cách khái quát sự vận động của thể tích khí nói chung, bao gồm các tính chất như nhiệt độ và áp suất của khí. Trong sự phức tạp nảy sinh sự giản đơn; trong sự hỗn loạn lại nảy sinh trật tự.
Tương tự, trong khi người ta không thể dự đoán kết quả chính xác cuộc sống của một cá nhân, thì ở quy mô xã hội nói chung, có thể rút ra được các quy luật tổng quát và đưa ra các dự đoán, chẳng hạn như các quy luật kinh tế của khủng hoảng tư bản và quy luật lịch sử của sự phát triển các phương tiện sản xuất, đấu tranh giai cấp, và cách mạng.
Tuy nhiên, cho tới cùng, các quy luật và lý thuyết kinh tế tổng quát, được trừu tượng hóa từ kinh nghiệm và khảo sát lịch sử này, phải được áp dụng vào các điều kiện cụ thể mà chúng ta phải đối mặt để có được sự hiểu biết đúng đắn về bất kỳ tình huống nào; những điều kiện này bao gồm một loạt các nhân tố chính trị. Không bao giờ được quên rằng nền kinh tế không phải là một hệ thống cơ học giản đơn có thể được biểu diễn bằng sự trừu tượng và các phương trình; đó là một trận chiến sinh tồn, của những lực lượng sống động và cho tới cùng chính tương quan của các lực lượng giai cấp sẽ quyết định kết quả của bất kỳ tình huống kinh tế nào.
Phải công nhận Keynes và Hayek, cũng như Marx, đã tìm cách coi kinh tế học như một môn khoa học, tìm kiếm các quy luật chi phối nền kinh tế bằng cách nghiên cứu cẩn thận các sự kiện. Tuy nhiên, không giống như Marx, cả Keynes và Hayek đều không phải là những nhà duy vật triệt để, càng không phải là biện chứng gia. Kết quả là, những giải thích lý thuyết của họ thường rơi vào những cái bẫy như đã nêu ở trên: hoặc là chủ nghĩa duy tâm, chỉ nhìn vào một mặt của một vấn đề phức tạp và nhiều mặt, và do đó không thể đưa ra lời giải thích duy vật cho các hiện tượng; hoặc là chủ nghĩa duy vật cơ học, tìm cách giải thích kinh tế học như một chiếc đồng hồ đơn giản trong đó nguyên nhân và kết quả là tuyến tính và sự vận động chỉ tiến theo một hướng.