Cuốn sách nhỏ này xuất hiện lần đầu dưới dạng một loạt bài báo, được đăng trên tờ "Neue Rheinische Zeitung", bắt đầu từ ngày 4 tháng Tư 1849. Phần nội dung được lấy từ các bài thuyết trình mà Marx đọc trước Câu lạc bộ Công nhân Đức ở Brussels hồi năm 1847. Loạt bài báo đó không bao giờ được hoàn thành. Lời hẹn "còn tiếp" ở cuối bài viết đăng trên số 269 đã không được thực hiện, do một loạt sự kiện xảy ra vào thời gian đó - quân Nga tiến vào Hungary, các cuộc khởi nghĩa ở Dresden, Iserlohn, Elberfeld, Pfalz và Baden - dẫn đến việc tờ báo bị đình bản vào ngày 19 tháng Năm 1849. Và trong các giấy tờ mà Marx để lại, người ta không tìm thấy bản thảo nào viết tiếp loạt bài kia.
[Source]
"Lao động làm thuê và Tư bản" đã vài lần được in ra dưới dạng ấn phẩm độc lập, bản mới nhất là của Hiệp hội Hợp tác In ấn Thụy Sĩ, ở Hottingen-Zurich năm 1884. Từ trước tới nay, các bản in đều theo đúng nguyên văn và cách diễn đạt của loạt bài báo gốc. Nhưng vì có ít nhất 10.000 bản in của lần xuất bản này sẽ được dùng làm sách tuyên truyền, nên có một vấn đề mà tôi buộc phải giải quyết: liệu bản thân Marx, trong tình hình hiện nay, có chấp nhận việc in lại nguyên văn bản gốc, mà không thay đổi gì?
Trong những năm 40, Marx vẫn chưa hoàn thành sự phê phán của mình với kinh tế chính trị học. Việc đó chỉ kết thúc vào cuối thập niên 50. Do đó, những tác phẩm mà Marx viết trước khi phần đầu của cuốn "Phê phán kinh tế chính trị học" được hoàn tất, đều có một số điểm lệch lạc so với những cuốn được ra đời sau năm 1859; đứng trên quan điểm của các trước tác về sau, thì các tác phẩm thời kỳ trước còn có những thuật ngữ và câu không thật chính xác, thậm chí là sai. Giờ đây, tất nhiên là với những lần xuất bản thông thường, dành cho quảng đại quần chúng, thì cái quan điểm ban đầu ấy vẫn có ý nghĩa của nó; đó là một phần trong quá trình phát triển tư tưởng của người viết, và tác giả cũng như công chúng tất nhiên có quyền in lại nguyên văn bản gốc. Trong trường hợp đó, tôi sẽ không nghĩ đến việc thay đổi văn bản, dù chỉ một từ. Nhưng lần xuất bản này thì khác, vì nó gần như được dành riêng cho mục đích tuyên truyền. Ở trường hợp này, bản thân Marx hẳn sẽ đem tác phẩm cũ - từ năm 1849 - kết hợp hài hòa với quan điểm mới của mình; và tôi chắc rằng mình đang làm theo tinh thần của ông, khi đưa vào lần xuất bản này một số sửa đổi và bổ sung cần thiết, để đạt được mục tiêu nói trên ở tất cả những điểm chủ yếu.
Vì thế, tôi xin nói ngay với độc giả: cuốn sách này không phải đúng với những gì Marx đã viết vào năm 1847, mà là gần đúng với những gì Marx sẽ viết ở năm 1891. Hơn nữa, có rất nhiều ấn bản in theo đúng bản gốc đang được lưu hành; thế nên các bản đó vẫn được coi là đầy đủ, cho đến lúc tôi có thể in lại chúng trong thời gian tới, khi xuất bản toàn bộ các tác phẩm của Marx.
Những sửa đổi của tôi tập trung vào một điểm. Theo bản gốc, công nhân bán lao động của mình để được nhà tư bản trả tiền lương; còn theo bản hiện nay, anh ta bán sức lao động của mình. Và về sự thay đổi đó, tôi phải đưa ra lời giải thích: với công nhân là để họ hiểu rằng, ở đây chúng tôi không chơi chữ hay là thay từ tráo ý, mà đang giải quyết một trong những điểm quan trọng nhất của toàn bộ kinh tế chính trị học; còn với các nhà tư sản thì là để họ tin rằng: những công nhân không được giáo dục kia có thể dễ dàng nắm bắt những phân tích kinh tế khó nhất, như thế là họ còn giỏi hơn cả những người "có học" chúng ta, vì chúng ta suốt đời cũng không giải quyết được những vấn đề phức tạp đó.
Kinh tế - chính trị học cổ điển[1] đã mượn của thực tiễn công nghiệp cái quan điểm phổ biến của nhà sản xuất, đó là: ông ta mua lao động của công nhân, và trả tiền cho nó. Quan niệm này khá hữu dụng cho mục đích kinh doanh, tính toán giá cả và sổ sách của nhà công nghiệp. Nhưng khi được đưa vào kinh tế chính trị học một cách hồn nhiên, thì ý kiến đó lại tạo ra những điều sai sót và lẫn lộn thực sự kì quái.
Kinh tế chính trị học nhận thấy một sự thật hiển nhiên là: giá của mọi hàng hóa, trong đó có cả cái gọi là "lao động", đều liên tục thay đổi; chúng lên và xuống do tác động của những điều kiện hết sức khác nhau, mà những điều kiện này thường chẳng liên quan gì đến bản thân sự sản xuất hàng hóa, thế nên giá cả dường như thường được quy định một cách ngẫu nhiên. Thế nên, ngay khi phát triển thành một môn khoa học, thì một trong những nhiệm vụ đầu tiên của kinh tế chính trị học là: tìm ra cái quy luật ẩn đằng sau sự ngẫu nhiên hình như đang quyết định giá của hàng hóa, cái đang thực sự điều khiển tính ngẫu nhiên ấy. Giữa sự bập bềnh nay lên mai xuống của giá cả hàng hóa, người ta tìm kiếm một tâm điểm, mà những dao động diễn ra xung quanh nó. Tóm lại, bắt đầu từ giá cả của hàng hóa, kinh tế chính trị học đi tìm giá trị của hàng hóa, như là một quy luật điều tiết; nhờ quy luật đó, mọi sự dao động của giá cả đều có thể được giải thích và được quy về một mối.
Và như thế, người ta tìm ra rằng giá trị của hàng hóa được quy định bởi mức lao động có trong hàng hóa ấy, và là mức lao động cần thiết để sản xuất ra nó. Với lời giải thích ấy, kinh tế chính trị học cổ điển đã thỏa mãn rồi. Và trong lúc này, chúng ta cũng có thể dừng ở điểm đó. Nhưng để tránh những hiểu lầm, tôi phải nhắc độc giả rằng: hiện nay, cách giải thích đó đã trở nên hoàn toàn không đầy đủ. Marx là người đầu tiên nghiên cứu kỹ lưỡng về lượng lao động cấu tạo nên giá trị, và thấy rằng: không phải tất cả lao động cần thiết (trên bề ngoài hay thậm chí là trong thực tế) để sản xuất hàng hóa đều được chuyển thành lượng giá trị tương ứng, dù là dưới điều kiện nào. Vì thế, nếu ngày nay, chúng ta nói ngắn gọn với các nhà kinh tế như Ricardo chẳng hạn, rằng: giá trị của hàng hóa được quyết định bởi lượng lao động cần thiết để sản xuất ra nó; thì điều đó có nghĩa là: chúng ta luôn ngầm nhắc đến những hạn chế và hoài nghi mà Marx đã đưa ra. Chừng đó là đủ cho mục đích hiện tại của chúng ta rồi; có thể tìm thấy nhiều thông tin khác nữa trong cuốn "Phê phán Kinh tế chính trị học" của Marx, ra đời năm 1859, và trong tập I của bộ "Tư bản".
Nhưng ngay khi các nhà kinh tế học áp dụng quy luật "lao động quyết định giá trị" vào chính hàng hóa "lao động", thì họ lại rơi vào một mâu thuẫn khác. Giá trị của "lao động" được quy định như thế nào? Thì bởi mức lao động có bên trong nó. Nhưng mức lao động có bên trong sự lao động của một công nhân, trong một ngày, một tuần, một tháng, một năm, thì là bao nhiêu? Nếu lao động là thước đo của mọi giá trị, thì ta có thể biểu diễn "giá trị của lao động" bằng lao động. Nhưng nếu ta chỉ biết rằng: giá trị của một giờ lao động đúng bằng một giờ lao động; thì ta vẫn hoàn toàn không biết được gì cả. Thế nên, ta vẫn chưa tiến thêm chút nào tới gần mục tiêu của mình, mà chỉ đang đi loanh quanh.
Vì vậy, kinh tế học cổ điển thử một hướng khác. Nó nói rằng: giá trị của một hàng hóa bằng với chi phí sản xuất ra nó. Nhưng chi phí sản xuất ra "lao động" là gì? Để trả lời câu hỏi này, các nhà kinh tế học buộc phải dùng đến một chút logic. Thay vì nghiên cứu chi phí sản xuất ra bản thân lao động (điều không may là ta không biết chắc được chi phí này), họ nghiên cứu chi phí sản xuất ra người lao động. Và cái này thì có thể được tìm ra. Nó thay đổi tùy theo thời điểm và hoàn cảnh; nhưng với một điều kiện xã hội xác định, ở một vùng xác định, và trong một ngành sản xuất xác định, thì chi phí này cũng được xác định; ít ra là trong những giới hạn chặt chẽ. Ngày nay, ta đang sống dưới chế độ tư bản chủ nghĩa; trong đó, một giai cấp có rất đông người - và ngày một đông hơn - chỉ có thể sống trong cảnh làm công ăn lương cho những kẻ sở hữu tư liệu sản xuất (đó là công cụ, máy móc, nguyên nhiên liệu, và tư liệu sinh hoạt). Theo nền tảng của phương thức sản xuất ấy thì chi phí sản xuất ra người lao động bao gồm tổng số các tư liệu sinh hoạt cần thiết (hoặc là giá tiền của chúng) để người lao động - trong điều kiện trung bình - có thể làm việc, có thể duy trì khả năng lao động, và khi anh ta không lao động được nữa (do tuổi cao, sức yếu hoặc bị chết) thì có người khác thế chỗ; tóm lại: đó là chi phí để duy trì một số lượng công nhân vừa đủ.
Hãy giả sử rằng giá tiền trung bình của các tư liệu sinh hoạt nói trên là 3 shilling 1 ngày. Thế nên anh công nhân của chúng ta được ông chủ trả lương mỗi ngày 3 shilling. Đổi lại, anh ta phải làm việc cho chủ 12 giờ 1 ngày. Ngoài ra, nhà tư bản của chúng ta còn tính toán thế này: hãy giả sử rằng anh công nhân (là một thợ máy) phải chế tạo 1 bộ phận máy trong 1 ngày. Nguyên liệu thô (sắt và đồng thau đã chế biến thành dạng cần thiết) có giá 20 shilling. Than dùng cho động cơ hơi nước, sự hao mòn của động cơ, máy móc và các công cụ khác mà người thợ sử dụng, có giá 1 shilling 1 ngày, ứng với mỗi công nhân. Tiền lương hàng ngày, như đã giả sử, là 3 shilling. Vậy là cần tổng cộng 24 shilling để chế tạo 1 bộ phận máy mà ta đang nói tới.
Nhưng nhà tư bản tính rằng: với mỗi bộ phận máy ấy, ông ta sẽ được khách hàng trả cho trung bình 27 shilling, tức là nhiều hơn 3 shilling so với chi phí mà ông ta bỏ ra.
3 shilling mà nhà tư bản có được là từ đâu ra? Theo khẳng định của kinh tế chính trị học cổ điển, hàng hóa nhìn chung là được bán đúng với giá trị của nó, tức là giá bán của nó tương ứng với lượng lao động cần thiết có trong nó. Vì thế, giá trung bình của bộ phận máy mà ta nói tới - là 27 shilling - sẽ bằng với giá trị của nó, nghĩa là bằng với lượng lao động có bên trong nó. Nhưng trong 27 shilling này, thì 21 shilling là giá trị đã có từ trước khi anh thợ máy bắt đầu công việc; đó là 20 shilling của nguyên liệu thô; 1 shilling dành cho nhiên liệu dùng trong công việc, cũng như các máy móc và công cụ đã được sử dụng, sự hao mòn và suy giảm tính năng của chúng ứng với số tiền đó. Còn lại 6 shilling được thêm vào giá trị của nguyên liệu. Nhưng như chính các nhà kinh tế học của chúng ta đã giả định, 6 shilling thêm vào đó chỉ có thể do lao động của công nhân tạo ra. Theo đó thì 12 giờ lao động của anh ta đã tạo ra một giá trị mới là 6 shilling. Vì thế, giá trị của 12 giờ lao động của anh thợ máy tương ứng với 6 shilling. Vậy là cuối cùng ta đã tìm ra "giá trị của lao động" là gì.
"Khoan đã!" Anh thợ máy của chúng ta kêu lên. "6 shilling à? Nhưng tôi chỉ được có 3 shilling! Nhà tư bản của tôi luôn thề thốt rằng giá trị của 12 giờ lao động của tôi không nhiều hơn 3 shilling; tôi mà đòi 6, ông ta sẽ cười vào mặt tôi. Chuyện này là thế nào?"
Nếu lúc nãy, với cái "giá trị của lao động", ta đã đi quanh một cái vòng luẩn quẩn; thì bây giờ, ta lại đi thẳng vào một mâu thuẫn không giải quyết nổi. Ta đi tìm "giá trị của lao động", và đã tìm thấy nhiều hơn cả những gì mình muốn. Với anh công nhân, giá trị của 12 giờ lao động là 3 shilling; với nhà tư bản, nó lại là 6 shilling, và ông ta trả 3 shilling tiền lương cho anh công nhân, rồi bỏ túi 3 shilling còn lại. Theo đó thì lao động có không chỉ một, mà là hai giá trị; hơn nữa, đó còn là hai giá trị khác hẳn nhau!
Ngay khi ta qui đổi giá trị ấy (lúc này nó được biểu diễn bằng tiền) thành thời gian lao động, thì mối mâu thuẫn thậm chí càng trở nên phi lí. 12 giờ lao động đã tạo ra giá trị mới là 6 shilling. Như thế là trong 6 giờ, lượng giá trị mới được tạo ra là 3 shilling - bằng với số tiền mà người lao động nhận được sau 12 giờ làm việc. Vậy là sau 12 giờ, anh công nhân nhận được một khoản tương ứng với 6 giờ lao động. Thế là ta buộc phải đi đến một trong hai kết luận: hoặc là lao động có hai giá trị, cái nọ gấp đôi cái kia; hoặc là 12 = 6! Trong cả hai trường hợp, ta đều thấy hoàn toàn vô lý. Dù có xoay sở thế nào thì ta cũng không thể thoát khỏi mâu thuẫn ấy, chừng nào ta còn nói về việc mua bán "lao động" và "giá trị của lao động". Và đó chính là điều đã xảy ra với các nhà kinh tế chính trị học. Đại biểu cuối cùng của kinh tế chính trị học cổ điển - trường phái Ricardo - đã hoàn toàn sụp đổ vì không giải quyết nổi mâu thuẫn ấy. Kinh tế chính trị học cổ điển đã đi vào ngõ cụt. Người đã tìm thấy đường ra khỏi ngõ cụt này chính là Karl Marx.
Cái mà những nhà kinh tế học coi là chi phí sản xuất ra "lao động", thực ra là chi phí sản xuất ra chính người lao động sống. Và cái mà người lao động bán cho nhà tư bản không phải là lao động của anh ta.
"Ngay khi anh ta bắt đầu lao động", Marx nói, "thì lao động đó đã không còn thuộc về anh ta, do đó anh ta không thể bán nó".
Cùng lắm thì anh ta chỉ có thể bán cái lao động tương lai của mình, tức là cái nghĩa vụ thực hiện một phần công việc nhất định trong một thời gian nhất định. Nhưng theo cách đó thì anh ta không bán lao động của mình (đó là việc đầu tiên anh ta phải thực hiện), mà với một khoản tiền công được quy định trước, anh ta trao sức lao động của mình cho nhà tư bản sử dụng trong một thời gian nhất định (với trường hợp trả lương theo thời gian) hoặc trong một phần công việc nhất định phải thực hiện (với trường hợp trả lương theo sản phẩm). Anh ta cho thuê (hay là bán) sức lao động của mình. Nhưng sức lao động này phát triển cùng với cơ thể anh ta, và không thể tách rời khỏi cơ thể đó. Vì thế mà chi phí sản xuất ra nó cũng chính là chi phí sản xuất ra bản thân anh ta; cái mà những nhà kinh tế học gọi là chi phí sản xuất ra lao động, thực ra là chi phí sản xuất ra người lao động, cùng với đó là sức lao động của anh ta. Và như thế, từ chi phí sản xuất ra sức lao động, ta cũng có thể quay về với giá trị của sức lao động; và có thể xác định lượng lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một lượng sức lao động nhất định, như Marx đã làm trong chương "Sự mua bán sức lao động"[2].
Bây giờ thì cái gì diễn ra sau khi anh công nhân đã bán sức lao động của mình, tức là trao nó cho nhà tư bản sử dụng để lấy một khoản lương định trước (theo thời gian hoặc theo sản phẩm)? Nhà tư bản đưa người lao động vào công xưởng hoặc nhà máy của mình, ở đó có mọi thứ cần cho công việc: nguyên liệu thô, nguyên liệu phụ (than, thuốc nhuộm, v.v...), công cụ và máy móc. Giờ đây, anh công nhân bắt đầu làm việc. Tiền lương hàng ngày của anh ta, như đã nói, là 3 shilling, và đó là lương theo thời gian hay theo sản phẩm thì cũng không có gì khác nhau. Hãy lại giả sử rằng trong 12 giờ, bằng sức lao động của mình, người thợ đã thêm một giá trị mới là 6 shilling vào giá trị của nguyên liệu thô, và nhà tư bản thu được giá trị này nhờ việc bán sản phẩm. Trong đó, ông ta trả cho công nhân 3 shilling, và giữ lấy 3 shilling còn lại. Bây giờ, nếu trong 12 giờ, người lao động tạo ra một giá trị là 6 shilling; thì trong 6 giờ, anh ta tạo ra một giá trị là 3 shilling. Do đó, sau 6 giờ làm việc cho nhà tư bản, anh công nhân đã trả lại cho ông ta đúng 3 shilling tiền lương mà mình nhận được. Sau 6 giờ lao động, hai bên đều đã thanh toán hết, không ai nợ ai xu nào.
"Khoan đã!" Giờ thì nhà tư bản kêu lên. "Tôi đã thuê người lao động trong cả ngày, tức là 12 giờ. 6 giờ mới là nửa ngày. Như vậy anh ta phải làm việc cho hết 6 giờ còn lại - chỉ khi đó thì chúng tôi mới bình đẳng với nhau". Và thực tế là người lao động phải chấp hành những điều khoản của cái hợp đồng mà anh ta đã kí vào "theo ý muốn tự nguyện của chính mình", theo đó thì anh ta buộc phải làm việc 12 giờ để được nhận một khoản chỉ bằng với 6 giờ lao động.
Với tiền lương theo sản phẩm thì tình hình cũng thế. Hãy giả định rằng trong 12 giờ, anh công nhân của chúng ta làm được 12 sản phẩm. Mỗi chiếc đó tốn 2 shilling cho nguyên liệu thô và các loại hao mòn, và bán được 2,5 shilling. Theo giả định ban đầu của ta, nhà tư bản trả cho người lao động 0,25 shilling cho mỗi sản phẩm, tổng cộng là 3 shilling cho 12 sản phẩm. Để kiếm được chừng ấy tiền, người thợ phải làm 12 giờ. Nhà tư bản bán 12 sản phẩm, được 30 shilling; trừ đi 24 shilling cho nguyên liệu thô và hao mòn thì còn lại 6 shilling, trong đó 3 shilling dùng để trả lương, còn 3 shilling thì ông ta bỏ túi. Vẫn hệt như trước! Ở đây cũng vậy, anh công nhân làm 6 giờ cho mình, tức là để bù lại tiền lương; và làm 6 giờ cho nhà tư bản.
Tảng đá mà những nhà kinh tế học giỏi nhất cũng mắc phải, chừng nào họ còn bắt đầu từ giá trị của lao động, sẽ biến mất ngay khi ta lấy xuất phát điểm là giá trị của sức lao động. Trong xã hội tư bản ngày nay của chúng ta, sức lao động cũng là một hàng hóa như mọi hàng hóa khác, nhưng là một hàng hóa rất đặc biệt. Cụ thể thì nó đặc biệt vì là lực lượng sáng tạo ra giá trị, là nguồn gốc của giá trị; hơn nữa, khi được sử dụng đúng cách, nó sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn giá trị của chính mình. Trong phương thức sản xuất hiện nay, sức lao động của con người không chỉ hàng ngày tạo ra nhiều giá trị hơn so với giá trị và chi phí của bản thân; mà cùng với mỗi khám phá khoa học mới, năng lực sản xuất hàng ngày của nó lại càng vượt xa chi phí hàng ngày; do đó mà phần ngày lao động để bù lại tiền lương của người thợ ngày càng ngắn lại, và mặt khác, phần ngày lao động mà anh ta phải biếu không cho nhà tư bản ngày càng dài ra.
Và đó là kết cấu kinh tế của toàn bộ xã hội hiện đại của chúng ta: một mình giai cấp vô sản tạo ra toàn bộ giá trị. Vì giá trị chỉ là một cách biểu hiện khác của lao động, cụ thể là trong xã hội tư bản ngày nay của chúng ta, thì nó được xác định bởi lượng lao động xã hội cần thiết có trong mỗi hàng hóa riêng biệt. Nhưng những giá trị này không thuộc về công nhân, dù nó được công nhân tạo ra. Chúng thuộc về những kẻ sở hữu nguyên liệu, máy móc, công cụ và tiền bạc; những thứ đó cho phép chúng mua sức lao động của giai cấp vô sản. Do đó mà giai cấp ấy chỉ nhận lại được một phần nhỏ của cái khối sản phẩm to lớn mà nó làm ra. Và như ta vừa thấy, cái phần còn lại, mà giai cấp tư sản giữ lấy, hoặc cùng lắm thì chỉ phải chia cho giai cấp địa chủ, đang tăng lên cùng với mỗi khám phá và phát minh mới; trong khi phần của giai cấp công nhân (chia theo đầu người) thì tăng rất ít và rất chậm, hoặc là không tăng, thậm chí trong những hoàn cảnh nhất định thì nó còn giảm.
Nhưng những khám phá và phát minh đang lần lượt thay thế sức người với tốc độ ngày càng cao, năng suất lao động của con người đang tăng lên từng ngày với một mức độ chưa từng thấy, cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc xung đột làm sụp đổ nền kinh tế tư bản hiện tại. Một mặt là sự giàu có vô hạn và tình trạng sản phẩm thừa đến mức người tiêu dùng không đối phó nổi; mặt khác là đại đa số người trong xã hội đều bị vô sản hóa, biến thành những người làm công ăn lương, do đó mà không thể thích ứng với tình trạng sản phẩm thừa. Xã hội bị chia làm hai: một giai cấp nhỏ giàu có quá mức, và một giai cấp rất lớn những người làm công ăn lương không có chút tài sản gì; điều đó dẫn tới việc xã hội bị chìm trong sự thừa thãi của chính nó, trong khi đại đa số thành viên của nó lại hầu như (thậm chí hoàn toàn) không được bảo vệ khỏi sự thiếu thốn cùng cực.
Tình trạng này ngày càng trở nên phi lý và không cần thiết. Nó phải bị xóa bỏ; nó có thể bị xóa bỏ. Một trật tự xã hội mới là có thể, trong đó không còn sự phân chia giai cấp như hiện nay, ở đó (có thể là sau một thời kỳ chuyển tiếp ngắn, dù có một số mặt sẽ bị thiệt hại, nhưng dù sao cũng rất có ích về đạo đức) sẽ có nhiều tư liệu sinh hoạt, có sự tận hưởng cuộc sống, sự phát triển và năng động của mọi năng lực thể chất và tinh thần; thông qua việc sử dụng có hệ thống và sự phát triển hơn nữa của các lực lượng sản xuất to lớn trong xã hội (mà hiện nay đã tồn tại), cùng với nghĩa vụ lao động bình đẳng của mọi người. Và giai cấp công nhân đang lớn mạnh sẽ ngày càng quyết tâm để giành được trật tự xã hội mới đó; điều này sẽ được chứng minh ở cả hai bờ Đại Tây Dương, trong ngày 1-5 này, và vào ngày chủ nhật 3-5 tới[3].
Friedrich Engels, London, 30 tháng Tư năm 1891.
LỜI MỞ ĐẦU
[4]Từ khắp các phía, chúng tôi đều bị trách móc là đã bỏ bê việc mô tả các điều kiện kinh tế đang cấu thành cơ sở vật chất của các cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc hiện nay. Chúng tôi chỉ muốn bàn đến những điều kiện đó khi chúng đóng vai trò chủ đạo trong những xung đột chính trị.
Trước tiên, cần theo sát diễn biến của cuộc đấu tranh giai cấp ngày nay, và từ các tài liệu lịch sử hiện có ngày càng nhiều để chứng minh bằng kinh nghiệm rằng: với việc đánh bại giai cấp công nhân, những người đã thực hiện cuộc cách mạng tháng Hai và tháng Ba, thì các kẻ thù của giai cấp ấy (phái tư sản cộng hòa ở Pháp, các giai cấp tư sản và nông dân đang đấu tranh chống chế độ chuyên chế phong kiến trên toàn lục địa châu Âu) cũng đồng thời bị đánh bại; thắng lợi của nền "cộng hòa ôn hòa" ở Pháp đồng thời cũng là thất bại của các dân tộc đã hưởng ứng cuộc Cách mạng tháng Hai bằng những cuộc chiến tranh anh dũng giành độc lập; và cuối cùng, nhờ việc đánh bại các công nhân cách mạng, châu Âu lại rơi vào hai cái ách nô lệ xưa cũ của Anh và Nga. Trận chiến đấu hồi tháng Sáu ở Paris, thành Wien thất thủ, tấn bi hài kịch ở Berlin hồi tháng Mười một năm 1848, những cố gắng tuyệt vọng của Ba Lan, Ý và Hungary, việc dùng nạn đói để đàn áp Ireland; đó là những sự kiện chính, tóm tắt cuộc đấu tranh giai cấp ở châu Âu giữa tư sản và công nhân; từ đó ta chứng minh được rằng: mọi cuộc khởi nghĩa cách mạng, dù mục đích của nó có vẻ xa rời cuộc đấu tranh giai cấp, đều sẽ thất bại nếu giai cấp công nhân cách mạng không giành thắng lợi; và mọi cuộc cải cách xã hội đều là ảo tưởng, chừng nào cách mạng vô sản và thế lực phong kiến phản cách mạng chưa đọ sức với nhau trong một cuộc chiến tranh thế giới. Trong bản trình bày của chúng tôi, cũng như trên thực tế, Bỉ và Thụy Sĩ là hai bức biếm họa bi hài trong đại cảnh lịch sử rộng lớn: một bên là Nhà nước kiểu mẫu của nền quân chủ tư sản, bên kia là Nhà nước kiểu mẫu của nền cộng hòa tư sản; cả hai nước đều tự hào rằng mình không dính đến đấu tranh giai cấp hay cách mạng châu Âu.
Nhưng bây giờ, khi các độc giả của chúng tôi đã thấy cuộc đấu tranh giai cấp năm 1848 phát triển tới quy mô khổng lồ về chính trị, thì đây là lúc để nghiên cứu kỹ hơn bản thân các điều kiện kinh tế đang làm nền tảng cho sự tồn tại và thống trị của giai cấp tư sản, cũng như sự nô lệ của công nhân.
Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề thành ba phần lớn:
1) Quan hệ giữa lao động làm thuê và tư bản, sự nô lệ của công nhân, sự thống trị của nhà tư bản.
2) Sự diệt vong tất yếu của các giai cấp trung đẳng và cái gọi là đẳng cấp thị dân[5] trong chế độ hiện tại.
3) Nước Anh, kẻ độc tài của thị trường thế giới, đã nô dịch và bóc lột giai cấp tư sản các nước châu Âu về thương nghiệp[6].
Chúng tôi sẽ cố trình bày một cách đơn giản và đại chúng nhất có thể, giả định rằng độc giả còn chưa biết đến những khái niệm cơ bản nhất của kinh tế chính trị học. Chúng tôi mong rằng công nhân sẽ hiểu được ý mình. Và hơn nữa, một tình trạng dốt nát và lẫn lộn khác thường bậc nhất đang ngự trị ở Đức, trong việc nhận thức các quan hệ kinh tế đơn giản nhất; từ những kẻ công khai bảo vệ chế độ hiện tồn, đến những vị lang băm xã hội chủ nghĩa; và những thiên tài chính trị chưa được công nhận, ở nước Đức đang bị chia cắt này, bọn đó còn nhiều hơn cả những ông vua bé.
Vậy, chúng ta hãy đi vào xem xét vấn đề đầu tiên.
TIỀN LƯƠNG LÀ GÌ?
Nếu hỏi vài công nhân “Tiền lương của các anh là bao nhiêu?", một người sẽ trả lời "Ngài tư sản trả cho tôi 1 đồng[7] mỗi ngày”, người khác thì “Tôi được 2 đồng”, và cứ thế. Tùy theo những ngành công nghiệp khác nhau mà họ làm việc, họ sẽ nêu ra những khoản tiền khác nhau mà họ nhận được từ ông chủ của mình, sau khi hoàn thành một công việc nhất định: ví dụ như dệt 1 mét vải hoặc sắp chữ cho 1 trang in. Dù đưa ra những con số khác nhau, họ đều đồng ý về một điểm: tiền lương là món tiền mà nhà tư bản trả cho một thời gian lao động nhất định, hoặc một khối lượng công việc nhất định.
Vậy, dường như nhà tư bản dùng tiền để mua lao động của công nhân, và công nhân bán lao động cho nhà tư bản để lấy tiền. Nhưng đó chỉ là bề ngoài thôi. Thực ra, cái mà họ bán cho nhà tư bản để lấy tiền, chính là sức lao động của họ. Nhà tư bản mua sức lao động này trong 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, v.v. Sau khi mua, ông ta dùng nó bằng cách để công nhân làm việc trong thời gian đã qui định. Với cùng số tiền đã dùng để mua sức lao động của công nhân (ví dụ: 2 đồng), nhà tư bản có thể mua 2 cân đường, hoặc một lượng hàng hóa nào khác. 2 đồng mà nhà tư bản dùng để mua 2 cân đường, thì chính là giá của 2 cân đường. 2 đồng mà nhà tư bản dùng để mua 12 giờ sử dụng sức lao động, thì chính là giá của 12 giờ lao động. Vậy, sức lao động là một hàng hóa, như đường, không hơn không kém. Một thứ được đo bằng đồng hồ, thứ kia được đo bằng cân.
Công nhân đem hàng hóa của mình, là sức lao động, đổi lấy hàng hóa của nhà tư bản, là tiền; và hơn nữa, sự trao đổi này được thực hiện theo một tỉ lệ nhất định. Bao nhiêu tiền thì là bấy nhiêu thời gian sử dụng sức lao động. Như 2 đồng đổi lấy 12 giờ dệt vải. Nhưng 2 đồng đó chẳng phải là đại biểu cho mọi hàng hóa khác mà ta có thể mua với chừng ấy tiền hay sao? Vậy là trên thực tế, công nhân đổi hàng hóa của mình, sức lao động, lấy mọi hàng hóa khác; theo một tỉ lệ nhất định. Khi trả cho công nhân 2 đồng, nhà tư bản đã trả cho anh ta một lượng thịt, quần áo, củi, diêm... để đổi lấy một ngày lao động của anh ta. Thế là 2 đồng đó biểu diễn mối quan hệ trao đổi giữa sức lao động và các hàng hóa khác, hay là giá trị trao đổi của sức lao động.
Giá trị trao đổi của một hàng hóa, biểu hiện bằng tiền, được gọi là giá của hàng hóa đó. Vì thế, tiền lương chỉ là cái tên riêng của giá của sức lao động, cái mà người ta thường gọi là giá của lao động; đó là tên riêng dành cho giá của hàng hóa đặc biệt này, thứ hàng hóa chỉ có trong máu thịt của con người.
Hãy lấy một công nhân bất kì, một thợ dệt chẳng hạn. Nhà tư bản cấp cho anh ta khung cửi và sợi. Người thợ làm việc, và sợi biến thành vải. Nhà tư bản lấy vải và bán được 20 đồng, ví dụ thế. Vậy thì tiền lương của anh thợ dệt có phải là một phần của tấm vải, của 20 đồng, của sản phẩm lao động ấy hay không? Hoàn toàn không. Vì còn lâu trước khi tấm vải được bán đi, có thể là còn lâu trước khi nó được dệt xong, thì anh thợ đã nhận được lương rồi. Vậy là nhà tư bản không trả lương bằng số tiền thu được do bán vải, mà bằng số tiền có sẵn trong tay. Khung cửi và sợi không phải là sản phẩm của người thợ dệt, mà là do ông chủ cấp cho; và những hàng hóa mà anh thợ nhận được từ việc trao đổi hàng hóa của mình (sức lao động), cũng không phải là sản phẩm lao động của anh ta. Có thể nhà tư bản không tìm thấy người nào muốn mua vải. Có thể ông ta bán vải mà không thu được số tiền bằng với số đã chi ra. Cũng có thể là ông ta bán rất được giá. Nhưng mọi cái đó đều không liên quan tới anh thợ dệt. Bằng một phần tài sản hiện có của mình, bằng một phần tư bản của mình, nhà tư bản mua sức lao động của anh thợ dệt; cũng hệt như việc, bằng một phần tài sản khác của mình, ông ta mua nguyên liệu (sợi) và công cụ lao động (khung cửi). Sau khi mua các thứ (trong đó có cả sức lao động cần thiết để làm ra vải), nhà tư bản liền sản xuất, với nguyên liệu và công cụ lao động chỉ là của riêng ông ta mà thôi. Người thợ dệt tốt bụng của chúng ta cũng là một công cụ lao động, và về mặt này thì anh ta cũng hệt như cái khung cửi; cả hai đều không có phần nào trong sản phẩm (tấm vải), hay là trong giá của sản phẩm đó.
Vậy thì tiền lương không phải là phần của anh công nhân trong cái sản phẩm mà anh ta làm ra. Tiền lương là một phần hàng hóa có sẵn, được nhà tư bản dùng để mua một lượng sức lao động sản xuất nhất định.
Tóm lại, sức lao động là một hàng hóa, mà người sở hữu nó (anh công nhân làm thuê) bán cho nhà tư bản. Tại sao anh ta bán nó? Để sống.
Nhưng việc đưa sức lao động vào hoạt động (ví dụ: làm việc) là biểu hiện của sự sống của công nhân. Và chính hoạt động sống này là cái mà anh ta bán cho kẻ khác để đảm bảo những tư liệu sinh hoạt cần thiết cho mình. Vậy, với anh ta, hoạt động sống đó chỉ là một phương tiện để bảo đảm sự sinh tồn của bản thân. Anh ta lao động để sống. Anh ta không coi lao động là một phần cuộc sống của mình; với anh ta, lao động là hi sinh cuộc sống của mình. Lao động là một hàng hóa mà anh ta đã bán cho kẻ khác. Vì thế, sản phẩm hoạt động của người thợ không phải là mục đích hoạt động của anh ta. Cái mà anh công nhân sản xuất cho mình không phải là lụa mà anh ta dệt, không phải là vàng mà anh ta đào lên từ mỏ, không phải là lâu đài mà anh ta xây. Cái mà người thợ sản xuất cho bản thân chính là tiền công; còn với anh ta, lụa, vàng, lâu đài lại biến thành một lượng tư liệu sinh hoạt nhất định; có thể là một cái áo vải bông, mấy đồng xu, hay là một chỗ trong nhà hầm. Và một người lao động, làm việc 12 giờ một ngày, dệt, kéo sợi, khoan, tiện, xây nhà, đào, đập đá, khuân vác...; 12 giờ làm việc đó có được anh ta coi là biểu hiện của đời mình, là cuộc sống của mình hay không? Ngược lại. Với anh ta, cuộc sống bắt đầu khi hoạt động ấy chấm dứt; nó bắt đầu bên bàn ăn, trong quán rượu, hay trên giường ngủ. Mặt khác, với anh ta, ý nghĩa của 12 giờ lao động không phải là dệt, kéo sợi, khoan... mà là kiếm tiền; để anh ta có thể ngồi ăn, uống rượu, nằm ngủ. Nếu con tằm nhả tơ chỉ để duy trì sự tồn tại của nó dưới hình dạng con sâu, thì nó là ví dụ hoàn hảo về một công nhân làm thuê.
Không phải lúc nào sức lao động cũng là hàng hóa. Không phải lúc nào lao động cũng là lao động làm thuê, chẳng hạn lao động tự do. Nô lệ không bán sức lao động của mình cho chủ nô, cũng như con bò không bán sức lao động của nó cho nông dân. Nô lệ, cùng với sức lao động của mình, đã bị bán đứt cho chủ nô rồi. Anh ta là một hàng hóa, có thể chuyển từ chủ này sang chủ khác. Bản thân nô lệ là một hàng hóa, nhưng sức lao động không phải là hàng hóa của anh ta. Nông nô chỉ bán một phần sức lao động của mình thôi. Anh ta không nhận lương của lãnh chúa, mà là lãnh chúa nhận cống vật của anh ta. Nông nô lệ thuộc vào ruộng đất, và phải nộp hoa lợi cho lãnh chúa. Trái lại, anh công nhân tự do thì tự bán mình, và bán từng phần một. Ngày qua ngày, anh ta bán 8, 10, 12, 15 giờ cuộc sống của mình cho kẻ nào trả giá cao nhất, những kẻ sở hữu nguyên liệu, công cụ và tư liệu sinh hoạt; tức là nhà tư bản. Người thợ không bị lệ thuộc vào ông chủ nào hay ruộng đất nào, nhưng 8, 10, 12, 15 giờ trong cuộc sống hàng ngày của anh ta lại thuộc về kẻ nào mua chúng. Công nhân nếu muốn thì có thể thôi làm cho nhà tư bản; và nhà tư bản khi cần cũng có thể sa thải công nhân, nếu không muốn sử dụng nữa, hoặc công nhân đó không đem lại lợi ích nữa. Nhưng công nhân chỉ có thể sống bằng cách bán sức lao động, do đó anh ta không thể tách khỏi toàn bộ giai cấp những người mua, tức là giai cấp các nhà tư bản; trừ khi anh ta muốn chết. Anh ta không thuộc về nhà tư bản này hay nhà tư bản khác, mà thuộc về giai cấp các nhà tư bản; việc của anh ta là tìm một ông chủ, tức là tìm một người mua trong giai cấp đó.
Trước khi đi sâu hơn vào quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê, chúng tôi sẽ trình bày vắn tắt về những điều kiện chung nhất mà ta phải xét tới khi quy định tiền lương.
Tiền lương, như ta đã thấy, là giá của một hàng hóa, hàng hóa sức lao động. Do đó, tiền lương cũng được xác định bởi những quy luật xác định giá của mọi hàng hóa khác. Câu hỏi là: giá của một hàng hóa được quyết định như thế nào?
CÁI GÌ XÁC ĐỊNH GIÁ CỦA HÀNG HÓA?
[8]Đó là sự cạnh tranh giữa người bán và người mua, là quan hệ giữa cầu và cung, giữa cung và cầu. Sự cạnh tranh quy định giá của một hàng hóa lại có ba mặt.
Với một hàng hóa thì có nhiều người bán. Với cùng một chất lượng, ai bán được rẻ nhất thì sẽ đánh bại những kẻ khác, và đảm bảo là mình bán được nhiều nhất. Thế là họ đấu tranh với nhau để bán được nhiều, để giành thị trường. Mỗi người trong số họ đều muốn bán hàng, bán được nhiều hết mức, và nếu có thể thì chỉ có một người bán thôi, còn mọi kẻ khác đều bị gạt ra ngoài. Người này lại bán rẻ hơn người kia. Thế là một cuộc cạnh tranh diễn ra giữa những người bán, làm cho giá của hàng hóa đem bán giảm đi.
Nhưng giữa những người mua cũng có cạnh tranh, làm cho giá của hàng hóa tăng lên.
Cuối cùng là cạnh tranh giữa người bán và người mua: một kẻ muốn mua rẻ nhất có thể, kẻ kia muốn bán đắt nhất có thể. Kết quả của sự cạnh tranh này tùy thuộc vào tương quan giữa hai phe nói ở trên; tức là sự cạnh tranh nào mạnh hơn, giữa những người bán hay giữa những người mua. Công nghiệp đem hai đạo quân đó ra đấu với nhau trên chiến trường, và bên trong mỗi đạo quân lại có một cuộc chiến nữa. Đạo quân nào mà trong hàng ngũ ít có xung đột hơn thì sẽ thắng.
Giả sử rằng trên thị trường có 100 kiện bông, nhưng những người mua cần tới 1000 kiện. Khi đó, cầu lớn hơn cung tới 10 lần. Cạnh tranh giữa những người mua khi đó sẽ rất mạnh; mỗi người trong số họ đều cố lấy được 1 kiện bông, và nếu có thể thì là cả 100 kiện. Và đó không phải là giả thiết tùy tiện. Trong lịch sử thương mại, ta từng thấy những thời kỳ khan hiếm bông; một vài nhà tư bản liên kết với nhau, và mua hết toàn bộ nguồn bông trên thế giới, chứ không chỉ 100 kiện mà thôi. Như vậy, mỗi người mua đều tìm cách đánh bại những kẻ khác, bằng cách trả giá cao hơn cho mỗi kiện bông. Những người bán bông nhận thấy trong đội quân đối địch đang có nội chiến kịch liệt, vì thế mà họ hoàn toàn chắc rằng sẽ bán hết 100 kiện bông của mình; vậy nên họ sẽ không đấu tranh với nhau để hạ giá xuống, trong khi đối thủ của họ thì đua nhau nâng giá lên. Thế là đột nhiên, hòa bình ngự trị trong phe những người bán. Muôn người như một, họ đứng trước đám người mua, khoanh tay một cách triết lí; và những đòi hỏi của họ sẽ là không giới hạn, nếu các đề nghị của những người mua sốt sắng nhất cũng không có giới hạn xác định.
Vậy, nếu lượng cung của một hàng hóa nào đó thấp hơn lượng cầu, thì trong hàng ngũ những người bán sẽ có rất ít, hoặc không có cạnh tranh. Sự cạnh tranh giữa những người bán càng giảm thì sự cạnh tranh giữa những người mua càng tăng. Kết quả: giá của hàng hóa tăng lên, ít hoặc nhiều.
Người ta biết rõ rằng trường hợp ngược lại, với kết quả ngược lại, xảy ra thường xuyên hơn. Lượng cung vượt xa lượng cầu, những người bán cạnh tranh kịch liệt, người mua thì thiếu; hàng hóa phải bán với giá rẻ mạt.
Nhưng lên giá, xuống giá là gì? Giá thế nào là cao, thế nào là thấp? Một hạt cát nhìn qua kính hiển vi thì to, một ngọn tháp so với một ngọn núi thì bé. Và nếu giá là do quan hệ cung - cầu quyết định, thì cái gì quyết định quan hệ cung - cầu?
Hãy hỏi bất kì "công dân đáng kính"[9] nào. Ông ta, không do dự gì cả, và như Alexander Đại đế, sẽ chặt đứt ngay cái nút siêu hình ấy bằng bảng cửu chương. Ông ta sẽ nói với chúng ta rằng: "Nếu tôi mất 100 đồng để sản xuất ra thứ hàng đó, và tôi bán nó được 110 đồng (dĩ nhiên là sau 1 năm), thì đó là món lợi nhuận thật thà, vừa phải, hợp lý. Nhưng nếu sau khi trao đổi, tôi thu được 120, 130 đồng, thì đó là món lợi nhuận cao; và nếu tôi kiếm được đến 200 đồng, thì đó là món lợi nhuận khổng lồ, phi thường". Vậy thì vị công dân này lấy cái gì làm tiêu chuẩn đo lợi nhuận của ông ta? Đó là chi phí sản xuất ra hàng hóa. Nếu trao đổi hàng hóa của mình lấy một lượng hàng hóa khác, có chi phí sản xuất thấp hơn, thì ông ta bị lỗ. Nếu ngược lại thì ông ta có lời. Và ông ta tính toán việc tăng giảm lợi nhuận theo sự lên xuống của giá trị trao đổi của hàng hóa, xem chúng nằm trên hay nằm dưới mức số 0, tức là chi phí sản xuất.
Ta thấy rằng mối quan hệ luôn biến đổi giữa cung và cầu đã gây ra tình trạng lên giá, xuống giá, khi thì giá cao, khi thì giá thấp.
Nếu giá của một hàng hóa tăng lên do lượng cung không đủ hoặc lượng cầu quá lớn, thì giá của một hàng hóa khác phải giảm đi tương ứng; vì giá cả chỉ được biểu hiện bằng tiền, là cái tỉ lệ mà theo đó, các hàng hóa khác sẽ được trao đổi với hàng hóa kia. Ví dụ, nếu giá 1 mét lụa tăng từ 2 đồng lên 3 đồng, thì giá của bạc đã hạ xuống so với lụa, và giá của mọi hàng hóa khác cũng vậy. Để lấy được cùng một lượng lụa như trước đây, thì phải trao đổi một lượng hàng hóa lớn hơn. Hậu quả của việc tăng giá của một hàng hóa là gì? Tư bản sẽ đổ dồn vào ngành công nghiệp đang thịnh vượng đó, sự dịch chuyển tư bản này sẽ tiếp tục, đến khi lợi nhuận của ngành ấy giảm xuống mức bình thường, nói đúng ra thì đó là lúc giá sản phẩm của ngành này giảm xuống dưới mức chi phí sản xuất, hậu quả của việc sản xuất thừa.
Ngược lại, nếu giá của một hàng hóa xuống thấp hơn chi phí sản xuất ra nó, thì tư bản sẽ rút khỏi ngành sản xuất hàng hóa đó. Trừ trường hợp ngành đó đã lỗi thời, và vì thế mà bị diệt vong, không thì do sự rút đi của tư bản, việc sản xuất hàng hóa đó (cũng như lượng cung của nó) sẽ giảm đi cho đến khi phù hợp với lượng cầu, và giá của nó tăng lên, bằng với chi phí sản xuất; hoặc đúng hơn là đến khi lượng cung xuống thấp hơn lượng cầu, và giá của hàng hóa tăng cao hơn chi phí sản xuất, vì giá thông thường của một hàng hóa luôn cao hơn hoặc thấp hơn chi phí sản xuất ra nó.
Ta thấy tư bản liên tục ra khỏi ngành này, dồn vào ngành khác; giá hàng hóa cao gây ra tình trạng dồn vào quá mức, giá thấp lại dẫn tới sự rút ra quá mức.
Theo một quan điểm khác, ta có thể chỉ ra rằng: không chỉ cung, mà cả cầu nữa, đều do chi phí sản xuất quyết định. Nhưng việc đó sẽ dẫn ta đi quá xa chủ đề của mình.
Ta vừa thấy rằng những dao động của cung và cầu luôn đưa giá của hàng hóa về bằng với chi phí sản xuất. Thật ra thì giá thực tế của một hàng hóa luôn cao hơn hoặc thấp hơn chi phí sản xuất, nhưng giá cao và giá thấp bù trừ cho nhau; thế nên trong một khoảng thời gian nhất định, nếu cộng tất cả các lần lên xuống của công nghiệp, thì ta thấy những hàng hóa được trao đổi với nhau theo chi phí sản xuất ra chúng. Do đó, giá của các hàng hóa đó được quy định bởi chi phí sản xuất ra chúng.
Không nên hiểu việc "chi phí sản xuất quyết định giá" theo ý của các nhà kinh tế học tư sản. Các nhà kinh tế học nói rằng: "Giá trung bình của hàng hóa bằng với chi phí sản xuất, đó là quy luật". Sự vận động vô chính phủ - trong đó việc tăng giá được bù lại bằng việc giảm giá, và ngược lại - được họ coi là một sự ngẫu nhiên. Ta cũng có thể coi những dao động là quy luật, còn việc "chi phí sản xuất quy định giá" là ngẫu nhiên; như một số nhà kinh tế học đã làm trên thực tế. Nhưng chính những dao động ấy - những dao động mà khi quan sát kĩ hơn, thì thấy nó gây ra sự tàn phá hết sức ghê gớm, và làm xã hội tư sản rung chuyển đến tận gốc - đã làm cho giá phụ thuộc vào chi phí sản xuất. Toàn bộ sự vận động vô trật tự ấy chính là cái trật tự của nó. Trong tiến trình của sự vô chính phủ công nghiệp này, trong sự vận động vòng tròn này, cạnh tranh lấy cái cực đoan nọ để bù trừ cho cái cực đoan kia.
Vậy, ta thấy rằng giá của hàng hóa thực sự được quy định bởi chi phí sản xuất ra nó, nhưng theo cách sau đây: những thời kỳ giá lên cao hơn chi phí sản xuất được bù lại bằng những thời kỳ giá xuống thấp hơn chi phí sản xuất, và ngược lại. Dĩ nhiên, điều đó không đúng với một sản phẩm công nghiệp nhất định, mà đúng với một ngành công nghiệp. Thế nên nó cũng không đúng với một nhà công nghiệp riêng biệt, mà đúng với toàn bộ giai cấp các nhà công nghiệp.
Việc chi phí sản xuất quyết định giá cũng giống như việc giá được quy định bởi thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa, vì chi phí sản xuất gồm có: đầu tiên là nguyên liệu, hao mòn của công cụ, v.v., tức là những sản phẩm công nghiệp mà phải tốn một số ngày lao động nhất định mới làm ra được, thế nên chúng đại diện cho một lượng thời gian lao động nhất định; và thứ hai là lao động trực tiếp, mà nó cũng được đo bằng thời gian.
CÁI GÌ XÁC ĐỊNH TIỀN LƯƠNG?
Chính những quy luật chung đó - cái mà về đại thể, đang điều tiết giá của hàng hóa - tất nhiên cũng điều tiết cả tiền lương, hay là giá của sức lao động.
Tiền lương cũng sẽ khi lên khi xuống, tùy theo quan hệ cung - cầu; tùy theo sự cạnh tranh được hình thành giữa những người mua sức lao động (nhà tư bản) và những người bán sức lao động (công nhân). Nhìn chung, sự dao động của tiền lương ăn khớp với sự dao động trong giá của hàng hóa. Nhưng trong phạm vi của những dao động đó, giá của sức lao động sẽ được quy định bởi chi phí sản xuất, bởi thời gian lao động cần thiết để làm ra hàng hóa đó (sức lao động).
Vậy chi phí sản xuất ra sức lao động là gì?
Đó là chi phí cần thiết để bảo toàn người lao động, với tư cách là người lao động; và để giáo dục, đào tạo anh ta thành người lao động.
Vì thế, loại lao động nào càng đòi hỏi ít thời gian học nghề thì chi phí sản xuất ra công nhân càng ít; tiền lương của anh ta, giá của sức lao động của anh ta, càng thấp. Trong các ngành công nghiệp hầu như không đòi hỏi thời gian học việc, mà chỉ cần sự tồn tại về thể chất của công nhân; thì chi phí sản xuất ra công nhân hầu như chỉ giới hạn trong những hàng hóa cần thiết để duy trì khả năng lao động của anh ta mà thôi. Do đó, giá của sức lao động của anh ta sẽ được quyết định bởi giá của những tư liệu sinh hoạt cần thiết.
Nhưng ở đây, ta còn phải xét đến một điều khác.
Khi tính chi phí sản xuất của mình, và cùng với đó là giá của sản phẩm, thì nhà công nghiệp cũng nghĩ đến cả sự hao mòn của công cụ lao động. Ví dụ, nếu ông ta mua một cái máy hết 1000 đồng, và nó dùng được trong 10 năm; thì hàng năm, ông ta thêm 100 đồng vào giá hàng hóa, để sau 10 năm, ông ta có thể mua chiếc máy mới. Tương tự, chi phí sản xuất ra sức lao động giản đơn cũng phải bao gồm cả chi phí duy trì nòi giống, để giai cấp công nhân sinh sôi nảy nở, và để thay thế những ai đã mất sức lao động bằng những người mới. Do đó, sự hao mòn của công nhân cũng được tính như hao mòn của máy móc.
Vậy, chi phí sản xuất ra sức lao động giản đơn tức là chi phí để công nhân tồn tại và duy trì nòi giống. Giá của những chi phí đó tạo thành tiền lương. Tiền lương quy định theo cách đó được gọi là lương tối thiểu. Lương tối thiểu này, cũng như việc chi phí sản xuất quy định giá của hàng hóa nói chung, không đúng với một cá nhân riêng biệt, mà đúng với toàn bộ loài. Có những công nhân, thực ra là hàng triệu công nhân, không nhận được đủ tiền để có thể tồn tại và duy trì nòi giống; nhưng tiền lương của toàn thể giai cấp công nhân, trong những giới hạn dao động của chúng, thì bằng với mức tối thiểu đó.
Bây giờ, sau khi đã hiểu về các quy luật chung nhất quy định tiền lương, cũng như giá của mọi hàng hóa khác, thì ta có thể nghiên cứu sâu hơn vào vấn đề của mình.
BẢN CHẤT VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TƯ BẢN
[10]Tư bản gồm có nguyên liệu, công cụ lao động và đủ loại tư liệu sinh hoạt; chúng được dùng để sản xuất ra những nguyên liệu, công cụ lao động và tư liệu sinh hoạt mới. Tất cả những bộ phận đó của tư bản đều do lao động tạo ra, là sản phẩm của lao động, là lao động tích lũy. Lao động tích lũy được dùng làm tư liệu cho việc sản xuất mới, đó là tư bản.
Các nhà kinh tế học nói như vậy. Nô lệ da đen là gì? Là một người thuộc giống da đen. Lời giải thích này cũng giống hệt lời giải thích ở trên.
Một người da đen là một người da đen. Chỉ trong những điều kiện nhất định, anh ta mới trở thành nô lệ. Máy kéo sợi bông là một chiếc máy dùng để xe sợi. Chỉ trong những điều kiện nhất định, nó mới trở thành tư bản. Khi bị tách khỏi những điều kiện đó, thì nó không còn là tư bản nữa; cũng như vàng tự nó không phải là tiền tệ, hay đường không phải là giá của đường.
Trong quá trình sản xuất, con người có quan hệ không chỉ với giới tự nhiên, mà còn với người khác nữa. Người ta chỉ sản xuất được khi kết hợp với nhau theo cách nào đó, và trao đổi hoạt động với nhau. Để sản xuất được, họ thiết lập những mối liên hệ và quan hệ nhất định với nhau; và chỉ trong khuôn khổ đó, quan hệ của họ với giới tự nhiên - tức là việc sản xuất - mới diễn ra được.
Các quan hệ xã hội đó giữa những người sản xuất, và những điều kiện mà theo đó, họ trao đổi hoạt động với nhau và tham gia vào toàn bộ sự sản xuất, sẽ biến đổi tùy theo tính chất của tư liệu sản xuất. Với việc phát minh ra một công cụ chiến tranh mới, là khẩu súng, thì toàn thể tổ chức nội bộ của quân đội đã nhất thiết phải thay đổi; các quan hệ mà theo đó, những cá nhân hợp lại và hành động như một đội quân, cũng được cải biến; và mối quan hệ giữa các đạo quân với nhau cũng khác đi.
Vậy, ta thấy rằng: các quan hệ xã hội mà theo đó các cá nhân sản xuất, tức là các quan hệ sản xuất xã hội, đã cải biến cùng với những biến đổi và phát triển của những tư liệu sản xuất vật chất, tức là các lực lượng sản xuất. Toàn bộ các quan hệ sản xuất tạo nên cái được gọi là quan hệ xã hội, hay là xã hội; và hơn nữa, đó là một xã hội ở một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định, một xã hội có những nét đặc trưng độc đáo, riêng biệt. Xã hội cổ đại, xã hội phong kiến, xã hội tư sản (hay là tư bản) đều là những tổng thể như vậy của các quan hệ sản xuất; mỗi tổng thể đó lại biểu thị một giai đoạn phát triển đặc thù trong lịch sử loài người.
Tư bản cũng là một quan hệ sản xuất xã hội. Đó là quan hệ sản xuất tư sản, quan hệ sản xuất của xã hội tư sản. Tư liệu sinh hoạt, công cụ lao động, nguyên liệu, những cái tạo thành tư bản; chẳng phải chúng đều được sản xuất và tích lũy dưới những điều kiện xã hội nhất định, những quan hệ xã hội nhất định hay sao? Chẳng phải chúng được dùng vào việc sản xuất mới trong những điều kiện và quan hệ đó hay sao? Chẳng phải chính những đặc trưng xã hội nhất định đã biến chúng thành tư bản hay sao?
Tư bản không chỉ gồm có những tư liệu sinh hoạt, công cụ lao động, nguyên liệu; không chỉ là những sản phẩm vật chất, nó còn có cả những giá trị trao đổi nữa. Mọi sản phẩm tạo nên tư bản đều là hàng hóa. Do đó, tư bản không chỉ là tổng số những sản phẩm vật chất, mà còn là tổng số những hàng hóa, những giá trị trao đổi, những đại lượng xã hội.
Tư bản vẫn giữ nguyên, dù ta có thay len bằng bông, thay lúa mì bằng lúa nước, thay đường sắt bằng tàu thủy; miễn là bông, lúa nước, tàu thủy - tức là vật chất của tư bản - có cùng giá trị trao đổi với len, lúa mì, đường sắt mà nó bao gồm trước kia. Hình thức vật chất của tư bản có thể thay đổi liên tục, mà tư bản không hề biến chuyển chút nào.
Nhưng dù bất kỳ tư bản nào cũng là một tổng số hàng hóa, tức là giá trị trao đổi; thì không phải bất kì tổng số hàng hóa nào, hay là giá trị trao đổi nào, cũng là tư bản.
Bất kì tổng số giá trị trao đổi nào cũng là một giá trị trao đổi. Bất kì giá trị trao đổi nào cũng là một tổng số giá trị trao đổi. Ví dụ: một ngôi nhà trị giá 1000 đồng là một giá trị trao đổi 1000 đồng, một tờ giấy giá 1 xu là một tổng số giá trị trao đổi của 100 lần 1/100 xu. Các sản phẩm có thể đổi lấy sản phẩm khác đều là hàng hóa. Cái tỉ lệ xác định, theo đó chúng được trao đổi, chính là giá trị trao đổi của chúng, hoặc nếu biểu diễn bằng tiền thì đó là giá của chúng. Số lượng của những sản phẩm này cũng không thể có tác động gì đến tính chất của chúng là hàng hóa, đại diện cho một giá trị trao đổi, là một giá nhất định. Một cái cây dù lớn hay bé thì vẫn là cái cây. Lẽ nào ta có thể thay đổi tính chất của sắt - là hàng hóa, là giá trị trao đổi - bằng cách trao đổi chúng lấy những sản phẩm khác, dù là tính theo gram hay theo tạ? Tùy theo số lượng mà nó là một hàng hóa có giá trị lớn hay nhỏ, có giá cao hay thấp.
Làm thế nào mà một tổng số hàng hóa, một tổng số giá trị trao đổi, trở thành tư bản?
Vì với tư cách là một lực lượng xã hội độc lập, tức là một lực lượng của một bộ phận xã hội, nó tự duy trì và lớn lên bằng cách trao đổi với sức lao động sống, trực tiếp.
Sự tồn tại của một giai cấp không sở hữu gì hết, ngoài năng lực lao động, là tiền đề cần thiết của tư bản.
Chính sự thống trị của lao động quá khứ, tích lũy, vật hóa với lao động sống, trực tiếp, đã biến lao động tích lũy thành tư bản.
Điểm cốt yếu của tư bản không phải là việc lao động tích lũy phục vụ lao động sống, như một phương tiện để tiến hành sản xuất mới; mà là việc lao động sống phục vụ lao động tích lũy, như một phương tiện để duy trì và tăng thêm giá trị trao đổi cho lao động tích lũy.
QUAN HỆ GIỮA LAO ĐỘNG LÀM THUÊ VÀ TƯ BẢN
Cái gì diễn ra trong sự trao đổi giữa nhà tư bản và công nhân làm thuê?
Công nhân đổi lao động của mình lấy tư liệu sinh hoạt, nhà tư bản đổi tư liệu sinh hoạt của mình lấy lao động, lấy hoạt động sản xuất của công nhân; lấy cái sức sáng tạo mà nhờ đó, người lao động không chỉ bù lại cái đã tiêu dùng, mà còn đem lại cho lao động tích lũy một giá trị lớn hơn giá trị của nó trước kia. Công nhân nhận một phần tư liệu sinh hoạt của nhà tư bản. Anh ta lấy những tư liệu sinh hoạt ấy làm gì? Để tiêu dùng trực tiếp. Nhưng ngay khi tôi dùng những tư liệu sinh hoạt ấy, thì đối với tôi, chúng đã hoàn toàn biến mất; trừ khi tôi dùng khoảng thời gian có được nhờ sử dụng chúng, để tạo ra những tư liệu sinh hoạt mới, để tạo ra những giá trị mới bằng lao động của mình; nhằm thay cho những giá trị đã được sử dụng, và đã mất đi. Nhưng chính cái sức tái sản xuất cao quý đó lại bị công nhân đem cho nhà tư bản, để đổi lấy những tư liệu sinh hoạt mà anh ta nhận về. Do đó, với bản thân anh ta, sức tái sản xuất ấy đã mất đi rồi.
Hãy lấy một ví dụ. Một người làm công làm việc cả một ngày trên mảnh ruộng của chủ, để nhận được 1 đồng, còn chủ ruộng nhờ lao động ấy mà thu được 2 đồng. Người chủ không chỉ thu lại được số giá trị mà mình đã trả cho người làm công nhật, ông ta còn lấy được gấp đôi số đó. Vậy là ông ta đã tiêu dùng một cách sinh lợi, một cách sản xuất, 1 đồng mà mình trả cho người làm công nhật. Ông ta dùng 1 đồng đó để mua sức lao động của người làm công, sức lao động ấy tạo ra một giá trị gấp đôi, và 1 đồng biến thành 2 đồng. Ngược lại, người làm công nhật đem trao đổi sức sản xuất của mình, thành quả của sức lực đó thuộc về người chủ, để lấy 1 đồng; 1 đồng đó lại được anh ta trao đổi lấy những tư liệu sinh hoạt, để sử dụng trong một thời gian ngắn hoặc dài. Vậy là 1 đồng đó được tiêu dùng theo hai cách: với nhà tư bản là một cách tái sản xuất, vì 1 đồng đó được trao đổi lấy sức lao động, sức lực ấy lại tạo ra 2 đồng; còn với công nhân là một cách không sản xuất, vì 1 đồng đó được trao đổi lấy những tư liệu sinh hoạt, mà cái đó sẽ mất đi hẳn, và anh ta chỉ có lại được giá trị ấy bằng cách lặp lại sự trao đổi với người chủ. Như thế là tư bản giả định phải có lao động làm thuê, còn lao động làm thuê giả định phải có tư bản. Chúng qui định lẫn nhau, cái nọ tạo ra cái kia.
Có phải công nhân xưởng dệt vải bông chỉ làm ra vải bông? Không. Anh ta còn sản xuất ra tư bản. Anh ta tạo ra những giá trị, những giá trị này lại được dùng để thống trị lao động của anh ta, nhằm dùng lao động đó để tạo ra những giá trị mới.
Tư bản chỉ có thể sinh sôi nảy nở bằng cách trao đổi với sức lao động, và tạo ra lao động làm thuê. Sức lao động của công nhân làm thuê chỉ có thể trao đổi với tư bản nếu nó làm tăng thêm tư bản, làm mạnh thêm chính cái thế lực đang nô dịch nó. Vậy, sự tăng lên của tư bản có nghĩa là sự tăng lên của giai cấp vô sản, tức là giai cấp công nhân.
Và thế là giai cấp tư sản và các nhà kinh tế học của nó khẳng định rằng: lợi ích của nhà tư bản và của công nhân là một. Và thực tế là đúng thế! Nếu tư bản không thuê công nhân làm việc thì công nhân sẽ chết. Nếu tư bản không bóc lột sức lao động thì tư bản sẽ chết, mà muốn bóc lột sức lao động thì nó phải mua sức lao động. Tư bản dùng cho sản xuất - tức là tư bản sản xuất - càng tăng nhanh, công nghiệp càng phồn vinh, giai cấp tư sản càng giàu lên, việc kinh doanh càng phát đạt; thì nhà tư bản càng cần nhiều công nhân, và công nhân càng bán mình với giá cao.
Vậy, điều kiện tiên quyết của việc công nhân có được một đời sống chấp nhận được, đó là sự tăng lên càng nhanh càng tốt của tư bản sản xuất.
Nhưng sự tăng thêm của tư bản sản xuất là gì? Đó là việc lao động tích lũy có thêm quyền lực với lao động sống, là việc giai cấp tư sản có thêm quyền thống trị với giai cấp công nhân. Khi lao động làm thuê tạo ra của cải cho kẻ khác, thứ của cải thống trị nó, thù địch với nó, tức là tư bản; thì nó nhận được công ăn việc làm, tức là tư liệu sinh hoạt, với điều kiện là nó lại phải trở thành một bộ phận của tư bản, trở thành cái đòn bẩy, ném tư bản vào cuộc vận động mở rộng ngày càng nhanh.
Nói rằng "lợi ích của tư bản và của công nhân là một" thì chỉ có nghĩa là: tư bản và lao động làm thuê là hai mặt của cùng một quan hệ. Cái này quy định cái kia, cũng như kẻ cho vay và người đi vay quy định lẫn nhau.
Chừng nào công nhân làm thuê vẫn là công nhân làm thuê, thì số phận của anh ta còn do tư bản định đoạt. Cái lợi ích chung của công nhân và của nhà tư bản, mà người ta tán tụng, là như thế đấy.
[11]Nếu tư bản tăng lên thì khối lượng lao động làm thuê tăng lên, số công nhân làm thuê nhiều thêm; tóm lại là tư bản thống trị một khối người đông hơn.
Hãy giả định một trường hợp thuận lợi nhất: tư bản sản xuất tăng lên, lượng cầu về lao động cũng tăng. Do đó mà giá của lao động, tức là tiền lương, tăng lên.
Một ngôi nhà có thể lớn hoặc nhỏ, chừng nào những ngôi nhà xung quanh cũng nhỏ như thế, thì ngôi nhà ấy vẫn thỏa mãn mọi yêu cầu xã hội về nhà ở. Nhưng nếu có một tòa lâu đài mọc lên cạnh ngôi nhà nhỏ đó, thì ngôi nhà tụt xuống thành một túp lều. Lúc này, ngôi nhà nhỏ ấy nói lên rằng người chủ của nó có rất ít, hoặc hoàn toàn không có địa vị xã hội; và dù ngôi nhà nhỏ có lớn lên trong tiến trình của nền văn minh, mà tòa lâu đài bên cạnh cũng lớn lên với mức độ như vậy hoặc mạnh hơn, thì người sống trong ngôi nhà nhỏ sẽ thấy ngày càng khó chịu, không thỏa mãn và ngột ngạt trong bốn bức tường của mình.
Sự tăng lên đáng kể của tiền công giả định sự tăng lên nhanh chóng của tư bản sản xuất. Sự tăng lên nhanh chóng của tư bản sản xuất gây ra sự tăng lên nhanh chóng của của cải, sự xa hoa, những nhu cầu và hưởng thụ của xã hội. Vậy, dù sự hưởng thụ mà công nhân có thể có đã tăng lên, thì nó lại giảm đi khi so với sự hưởng thụ ngày càng tăng lên của nhà tư bản, mà công nhân không với tới được, và khi so với trình độ phát triển của xã hội nói chung. Những nhu cầu và hưởng thụ của chúng ta là do xã hội sinh ra, thế nên ta so sánh chúng với xã hội, chứ không phải với những vật phẩm để thỏa mãn chúng. Vì chúng có tính chất xã hội, nên chúng có tính chất tương đối.
Nhưng tiền lương nói chung không được quy định bởi lượng hàng hóa mà nó có thể đổi lấy. Còn có những yếu tố khác.
Cái mà công nhân trực tiếp nhận được từ sức lao động của mình là một số tiền nhất định. Có phải tiền lương chỉ do cái giá bằng tiền đó quy định hay không?
Vào thế kỉ XVI, sự lưu thông vàng bạc ở châu Âu tăng lên, do việc tìm ra ở châu Mỹ những mỏ giàu hơn và dễ khai thác hơn. Giá trị của vàng bạc vì thế mà hạ xuống so với các hàng hóa khác. Công nhân thì vẫn lĩnh cùng một lượng bạc như trước cho sức lao động của mình. Giá tiền của công việc của họ vẫn giữ nguyên, nhưng tiền lương của họ thì đã giảm, vì với cùng một lượng bạc ấy, họ trao đổi được một lượng hàng hóa khác ít hơn. Đó là một trong những điều kiện làm tăng thêm tư bản, khiến giai cấp tư sản nổi lên trong thế kỉ XVI.
Hãy lấy một trường hợp khác. Mùa đông năm 1847, do mất mùa nên giá của những tư liệu sinh hoạt cần thiết nhất - lúa mì, thịt, bơ, pho-mát, v.v. - đã tăng vọt. Hãy giả định rằng công nhân vẫn nhận được cùng một số tiền như trước cho sức lao động của mình. Chẳng phải tiền lương của họ đã giảm đi hay sao? Tất nhiên là thế. Với cùng số tiền đó, họ trao đổi được ít bánh mì, thịt, v.v. hơn. Tiền lương của họ giảm, không phải vì giá trị của bạc giảm, mà vì giá trị của các tư liệu sinh hoạt đã tăng.
Sau cùng, hãy giả định là giá tiền của sức lao động thì giữ nguyên, trong khi tất cả những sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp đều giảm giá, do việc sử dụng máy móc mới, hoặc do được mùa, v.v. Lúc đó, với cùng một số tiền, công nhân có thể mua nhiều hàng hóa hơn, thuộc đủ các loại. Vậy là tiền lương của họ đã tăng, chỉ vì giá tiền của nó không thay đổi.
Thế là giá tiền của sức lao động, tức là tiền lương danh nghĩa, không khớp với tiền lương thực tế, tức là lượng hàng hóa thực sự có thể mua bằng tiền lương. Vậy, khi nói tới việc tăng giảm tiền lương, ta phải nhớ tới cả tiền lương thực tế, chứ không chỉ có giá tiền của sức lao động, hay là tiền lương danh nghĩa.
Nhưng cả tiền lương danh nghĩa - tức là số tiền mà công nhân có được khi bán mình cho nhà tư bản, lẫn tiền lương thực tế - tức là lượng hàng hóa mà anh ta có thể mua bằng số tiền đó, cũng chưa phải là tất cả những quan hệ bao hàm trong vấn đề tiền lương.
Trên hết, tiền lương còn được quy định bởi quan hệ của nó với tiền lãi, với lợi nhuận của nhà tư bản. Đó là tiền lương so sánh, tiền lương tương đối.
Tiền lương thực tế biểu hiện giá của sức lao động, trong quan hệ với giá của các hàng hóa khác; mặt khác, tiền lương tương đối biểu hiện cái phần mà lao động trực tiếp thu được từ giá trị mới mà nó tạo ra, so với phần mà lao động tích lũy thu được.
NGUYÊN TẮC CHUNG QUYẾT ĐỊNH SỰ TĂNG GIẢM CỦA TIỀN LƯƠNG VÀ LỢI NHUẬN
Ở trên, ta từng nói: "Tiền lương không phải là phần của anh công nhân trong cái sản phẩm mà anh ta làm ra. Tiền lương là một phần hàng hóa có sẵn, được nhà tư bản dùng để mua một lượng sức lao động sản xuất nhất định". Nhưng nhà tư bản phải thu lại số tiền lương đấy, bằng cách lấy từ số tiền bán sản phẩm do công nhân làm ra; ông ta còn phải thu lại sao cho theo lệ thường, ông ta có được một số dư so với chi phí sản xuất mà mình bỏ ra, tức là ông ta phải thu được lợi nhuận.
Với nhà tư bản, giá bán hàng hóa do công nhân sản xuất ra được chia thành 3 phần:
- Một là phần để bù lại giá của nguyên liệu mà ông ta đã chỉ ra, và bù lại hao mòn của công cụ, máy móc, và các phương tiện lao động khác, cũng do ông ta ứng trước;
- Hai là phần để bù lại số tiền lương mà nhà tư bản bỏ ra;
- Ba là số dư còn lại, tức là lợi nhuận của nhà tư bản.
Trong khi phần 1 chỉ bù lại các giá trị đã có từ trước, thì rõ ràng là hai phần kia đều do cái giá trị mới, do lao động của công nhân tạo ra, và được thêm vào giá trị của nguyên liệu. Và theo ý nghĩa này, để so sánh chúng với nhau, ta có thể coi cả tiền lương và lợi nhuận là những phần trong sản phẩm do công nhân làm ra.
Tiền lương thực tế có thể vẫn giữ nguyên, thậm chí là tăng, nhưng tiền lương tương đối lại giảm. Ví dụ, hãy giả định rằng giá của mọi tư liệu sinh hoạt đều giảm đi 2/3, còn tiền lương hàng ngày chỉ giảm đi 1/3, chẳng hạn từ 3 đồng xuống còn 2 đồng. Dù với 2 đồng bây giờ, công nhân có thể mua nhiều hàng hóa hơn so với 3 đồng trước kia, nhưng tiền lương của anh ta đã giảm xuống, trong mối tương quan với lợi nhuận của nhà tư bản. Lợi nhuận của nhà tư bản - ví dụ nhà công nghiệp - đã tăng thêm 1 đồng, tức là số giá trị trao đổi mà ông ta trả cho công nhân càng ít, thì công nhân càng phải làm ra nhiều giá trị trao đổi hơn trước. Phần của tư bản đã tăng lên so với phần của lao động. Sự phân phối của cải xã hội giữa tư bản và lao động càng trở nên không đồng đều. Với cùng một lượng tư bản, nhà tư bản thống trị được một lượng lao động lớn hơn. Quyền lợi của giai cấp các nhà tư bản với giai cấp công nhân đã tăng lên, địa vị xã hội của công nhân trở nên thấp kém hơn, bị đẩy xuống thêm một cấp so với nhà tư bản.
Vậy thì quy luật chung nào quyết định sự tăng giảm của tiền lương và lợi nhuận, trong mối quan hệ qua lại giữa chúng với nhau?
Chúng tỉ lệ nghịch với nhau. Phần của tư bản (lợi nhuận) tăng lên bao nhiêu, thì phần của lao động (tiền lương) giảm xuống bấy nhiêu, và ngược lại. Lợi nhuận tăng theo mức giảm của tiền lương, và giảm theo mức tăng của tiền lương.
Người ta có thể cãi rằng: nhà tư bản kiếm lời được nhờ việc trao đổi sản phẩm của mình với người khác một cách có lợi, hay là lượng cầu cho hàng hóa của ông ta tăng lên (do tìm ra thị trường mới hoặc do nhu cầu ở thị trường cũ nhất thời tăng lên, v.v.); vì thế, lợi nhuận của nhà tư bản này có thể tăng lên do lợi dụng những kẻ khác, mà không phụ thuộc vào sự tăng giảm tiền lương, hay giá trị trao đổi của sức lao động; hoặc là nhà tư bản có thêm lợi nhuận vì cải tiến công cụ lao động, khai thác năng lượng tự nhiên theo phương pháp mới, v.v.
Trước hết, phải thừa nhận rằng kết quả thì vẫn vậy, dù cách thức để đạt được kết quả thì ngược lại. Đúng là lợi nhuận đã tăng không phải vì tiền lương giảm, nhưng tiền lương đã giảm vì lợi nhuận tăng. Với cùng một lượng lao động của kẻ khác, nhà tư bản đã có được một lượng giá trị trao đổi lớn hơn, mà không phải trả thêm tiền cho lao động; tức là lao động được trả rẻ hơn so với thu nhập ròng mà nhà tư bản lấy về.
Thêm nữa, phải nhớ rằng: dù có những dao động trong giá của các hàng hóa, thì giá trung bình của mỗi hàng hóa, cái tỉ lệ mà nó được trao đổi với các hàng hóa khác, vẫn được quy định bởi chi phí sản xuất ra nó. Những việc lừa dối và lợi dụng lẫn nhau giữa các nhà tư bản tất nhiên sẽ bù trừ cho nhau. Sự cải tiến máy móc, việc sử dụng năng lượng tự nhiên theo cách mới để phục vụ sản xuất, có thể giúp làm ra nhiều sản phẩm hơn trong một khoảng thời gian nhất định, với cùng một lượng lao động và tư bản; nhưng nó hoàn toàn không tạo ra một lượng giá trị trao đổi lớn hơn. Nếu nhờ việc dùng máy kéo sợi, trong một giờ tôi làm được lượng sợi nhiều gấp đôi trước kia, ví dụ 100 cân thay vì 50 cân; thì cuối cùng, khi trao đổi 100 cân sợi ấy, tôi cũng không nhận được nhiều hàng hóa hơn so với khi trao đổi 50 cân sợi trước đây; vì chi phí sản xuất đã giảm đi một nửa, hay là vì với cùng chi phí như vậy, tôi đã làm ra nhiều gấp đôi sản phẩm.
Cuối cùng, dù giai cấp các nhà tư bản - trong một nước hay trên thị trường thế giới - có phân chia thu nhập ròng cho nhau theo tỉ lệ nào đi nữa, thì tổng số thu nhập ròng ấy vẫn chỉ là cái lượng mà lao động trực tiếp đã thêm vào lao động tích lũy. Thế nên tổng số ấy tăng lên theo cùng tỉ lệ với việc lao động làm tăng tư bản, tức là trùng với tỉ lệ tăng của lợi nhuận so với tiền lương.
LỢI ÍCH CỦA TƯ BẢN VÀ LAO ĐỘNG LÀM THUÊ LÀ HOÀN TOÀN ĐỐI LẬP - TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC TĂNG TƯ BẢN SẢN XUẤT VỚI TIỀN LƯƠNG
Vậy, ta thấy rằng, ngay cả khi đứng trong quan hệ giữa tư bản và lao động làm thuê, thì lợi ích của chúng vẫn đối lập hẳn với nhau.
Tư bản tăng nhanh đồng nghĩa với lợi nhuận tăng nhanh. Lợi nhuận chỉ tăng nhanh khi mà giá của lao động, tức là tiền lương tương đối, giảm xuống cũng nhanh như thế. Tiền lương tương đối có thể giảm, ngay cả khi tiền lương thực tế và tiền lương danh nghĩa (tức là giá trị bằng tiền của lao động) đều tăng, chỉ cần tiền lương thực tế không tăng cùng tỷ lệ với lợi nhuận. Ví dụ, nếu trong những năm kinh doanh thuận lợi, tiền lương tăng 5%, còn lợi nhuận tăng 30%, thế thì tiền lương so sánh tương đối không tăng mà giảm.
Vậy, nếu thu nhập của công nhân tăng lên cùng với sự tăng nhanh tư bản, thì cùng lúc đó, cái vực thẳm xã hội giữa công nhân và nhà tư bản cũng rộng ra; quyền lực của tư bản với lao động, sự lệ thuộc của lao động vào tư bản, đều tăng lên.
Nói rằng "công nhân quan tâm đến sự tăng nhanh tư bản" thì chỉ có nghĩa là: công nhân càng làm tăng của cải của nhà tư bản, thì những mảnh vụn mà anh ta nhận được càng to hơn, số công nhân sẽ đông hơn, đám đông nô lệ phụ thuộc vào nhà tư bản cũng nhiều lên.
Vậy ta thấy rằng:
Ngay cả hoàn cảnh thuận lợi nhất cho công nhân, tức là tư bản tăng nhanh hết sức, cũng không xóa bỏ sự đối lập về lợi ích giữa công nhân và nhà tư bản, dù nó có cải thiện đời sống vật chất của công nhân đến mức nào đi nữa. Lợi nhuận và tiền lương vẫn tỉ lệ nghịch với nhau như trước.
Nếu tư bản tăng nhanh thì tiền lương có thể tăng, nhưng lợi nhuận của nhà tư bản lại tăng lên vô cùng nhanh hơn. Địa vị vật chất của công nhân khá lên, nhưng cái giá phải trả là địa vị xã hội của anh ta hạ xuống. Vực thẳm xã hội ngăn cách anh ta và nhà tư bản lại rộng ra.
Cuối cùng:
Nói rằng "điều kiện thuận lợi nhất cho lao động làm thuê là sự tăng nhanh hết sức của tư bản sản xuất" thì cũng như nói rằng: giai cấp công nhân càng tăng lên, và càng làm mạnh thêm cái thế lực thù địch với nó, tức là của cải của kẻ khác đang thống trị giai cấp ấy; thì nó càng có điều kiện thuận lợi để lại lao động, để tăng thêm của cải của giai cấp tư sản, để tăng cường thể lực của tư bản; do đó mà chấp nhận việc tự rèn cho mình những xiềng xích bằng vàng, để giai cấp tư sản dắt mình đi theo.
[12]Sự tăng lên của tư bản sản xuất và sự tăng lên của tiền lương - có thật là chúng gắn bó với nhau, không thể tách rời, như các nhà kinh tế học tư sản khẳng định? Ta không nên tin lời họ. Ta không thể tin họ, ngay cả khi họ nói là tư bản càng béo tốt thì nô lệ của chúng càng được chăm chút. Giai cấp tư sản quá sáng suốt, quá chi li tính toán; nó không thể chia sẻ cái thành kiến của tên chúa phong kiến, kẻ thường phô trương sự hào nhoáng của đoàn tùy tùng của mình. Những điều kiện tồn tại của giai cấp tư sản buộc nó phải chi li.
Vì vậy ta phải nghiên cứu kỹ hơn vấn đề sau đây:
Sự tăng tư bản sản xuất ảnh hưởng tới tiền lương như thế nào?
Nếu toàn bộ tư bản sản xuất trong xã hội tư sản tăng lên, thì lao động được tích lũy theo nhiều mặt hơn. Tư bản cá nhân tăng lên, cả về số lượng và quy mô. Số lượng tư bản cá nhân tăng lên thì cạnh tranh giữa các nhà tư bản cũng tăng. Sự tăng quy mô của tư bản cho phép đưa các đạo quân công nhân hùng hậu hơn, với những công cụ chiến tranh to lớn hơn, vào chiến trường công nghiệp.
Một nhà tư bản có thể loại kẻ khác khỏi vòng chiến đấu, và chiếm lấy tư bản của kẻ đó, chỉ với việc bán rẻ hơn. Để có thể bán rẻ hơn mà không phá sản, thì ông ta phải sản xuất rẻ hơn, tức là phải tăng sức sản xuất của lao động lên hết mức.
Nhưng trên hết, sức sản xuất của lao động tăng lên là nhờ phân công lao động kĩ hơn, áp dụng máy móc nhiều hơn, và luôn cải tiến máy móc đó. Đạo quân công nhân - trong đó lao động được phân công - mà càng lớn, quy mô sử dụng máy móc mà càng lớn; thì chi phí sản xuất càng giảm đi một cách tương đối, lao động càng có năng suất. Do đó mà có sự ganh đua toàn diện giữa các nhà tư bản, để tăng cường phân công lao động, tăng cường máy móc, và sử dụng hai cái đó trên quy mô lớn nhất có thể.
Bây giờ, nếu nhờ việc phân công lao động tốt hơn, nhờ sử dụng và cải tiến các máy móc mới, nhờ việc khai thác các năng lượng tự nhiên tốt hơn và nhiều hơn; một nhà tư bản có thể dùng cùng một lượng lao động (là tích lũy hay trực tiếp thì cũng thế) mà sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn so với những kẻ cạnh tranh, ví dụ như sản xuất 1 mét vải lanh trong khoảng thời gian bằng với thời gian những kẻ kia làm ra nửa met; khi đó, nhà tư bản ấy sẽ làm gì?
Ông ta có thể bán nửa mét vải lanh theo giá cũ trên thị trường, nhưng thế thì không loại được đối thủ ra khỏi vòng chiến, hay mở rộng được thị trường của mình. Trong khi đó, nhu cầu thị trường của ông ta sẽ tăng lên cùng với mức tăng sức sản xuất. Thực tế là những phương tiện sản xuất mạnh hơn và đắt hơn - mà ông ta có được - cho phép ông ta bán hàng rẻ hơn, nhưng nó cũng buộc ông ta phải bán nhiều hàng hơn, phải kiểm soát được một thị trường vô cùng lớn hơn cho hàng hóa của mình; do đó, nhà tư bản ấy sẽ bán nửa mét vải lanh với giá rẻ hơn các đối thủ cạnh tranh.
Nhưng nhà tư bản sẽ không bán 1 mét vải lanh bằng với mức giá mà những người kia bán nửa met, dù chi phí sản xuất ra 1 met của ông ta không nhiều hơn chi phí sản xuất ra nửa mét của người khác. Nếu không làm thế thì ông ta sẽ không thu được lợi nhuận thêm nào cả, mà chỉ bù lại được chi phí sản xuất thôi. Ông ta có thể vẫn kiếm về nhiều thu nhập hơn, nhưng là vì ông ta sử dụng nhiều tư bản hơn, chứ không phải vì tư bản của ông ta tạo ra nhiều lợi nhuận hơn các tư bản khác. Vả lại, ông ta vẫn đạt được mục tiêu của mình, nếu bán hàng hóa của mình với giá chỉ thấp hơn vài % so với các đối thủ. Ông ta loại họ khỏi vòng chiến, ít ra cũng chiếm lấy một phần thị trường của họ, bằng cách hạ giá.
Cuối cùng, hãy nhớ là giá thông thường luôn thấp hơn hoặc cao hơn chi phí sản xuất, tùy theo việc bán hàng hóa diễn ra trong thời kỳ công nghiệp thuận lợi hay không. Tùy theo giá thị trường của 1 mét vải lanh đứng cao hơn hay thấp hơn chi phí sản xuất cũ, mà số % nhà tư bản kiếm được trội hơn chi phí sản xuất thực của mình - do việc sử dụng phương tiện sản xuất mới có năng suất cao hơn - sẽ biến đổi.
Nhưng đặc quyền của nhà tư bản của chúng ta sẽ không kéo dài. Các nhà tư bản cạnh tranh với ông ta cũng sẽ sử dụng những máy móc ấy, cách phân công lao động ấy, trên một quy mô như thế hoặc thậm chí lớn hơn. Và cuối cùng, những cải tiến đó sẽ trở nên phổ biến đến mức, giá của vải lanh sẽ không chỉ thấp hơn chi phí sản xuất cũ, mà còn thấp hơn cả chi phí sản xuất mới.
Vậy là trong quan hệ với nhau, các nhà tư bản lại thấy mình ở vào đúng cái tình thế trước khi áp dụng các phương tiện sản xuất mới; và nếu trước đây, họ có thể bán số sản phẩm nhiều gấp đôi, với giá cũ; thì bây giờ, họ buộc phải bán số sản phẩm nhiều gấp đôi ấy, với giá thấp hơn giá cũ. Khi chạm đến cái mức mới, tức là chi phí sản xuất mới, thì cuộc chiến giành ưu thế trên thị trường diễn ra lại từ đầu. Phân công lao động hơn nữa, sử dụng máy móc hơn nữa, và áp dụng các biện pháp đó trên quy mô lớn hơn nữa. Và cạnh tranh một lần nữa đem lại chính cái phản ứng tương tự với kết quả đó.
TÁC ĐỘNG CỦA CẠNH TRANH GIỮA CÁC NHÀ TƯ BẢN TỚI GIAI CẤP CÁC NHÀ TƯ BẢN, GIAI CẤP TRUNG GIAN, VÀ GIAI CẤP CÔNG NHÂN
Thế là ta đã thấy: làm thế nào mà phương thức sản xuất và tư liệu sản xuất luôn được mở rộng và cách mạng hóa; làm thế nào mà sự phân công lao động nhất thiết kéo theo sự phân công lao động kĩ hơn, việc sử dụng máy móc nhất thiết kéo theo việc dùng máy móc nhiều hơn, sự sản xuất trên quy mô lớn nhất thiết kéo theo sự sản xuất trên quy mô còn lớn hơn.
Đó là cái quy luật luôn đánh bật nền sản xuất tư bản ra khỏi quỹ đạo cũ, và bắt tư bản phải tăng hơn nữa sức sản xuất của lao động, vì trước đó nó đã tăng sức sản xuất của lao động rồi; quy luật đó không cho tư bản nghỉ ngơi chút nào, và luôn thét vào tai nó: "Tiến lên! Tiến lên!".
Chính quy luật đó sẽ tất yếu san bằng giá của hàng hóa cho ngang với mức chi phí sản xuất, trong khuôn khổ những biến động chu kì của thương mại.
Dù nhà tư bản có dùng những phương tiện sản xuất mạnh đến thế nào, thì cạnh tranh cũng sẽ làm cho các phương tiện ấy trở thành phổ biến; và khi nó đã phổ biến, thì kết quả duy nhất của sức sản xuất cao hơn của tư bản của ông ta sẽ là: ông ta phải bán một số sản phẩm nhiều gấp 10, 20, 100 lần trước kia, với giá như cũ. Nhưng vì ông ta phải tìm một thị trường, có lẽ là 1000 lần lớn hơn, để bù lại việc hạ giá bằng cách bán nhiều hàng; vì giờ đây, việc bán được nhiều hàng hơn là cần thiết, không chỉ để kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, mà còn để bù lại chi phí sản xuất (bản thân các phương tiện sản xuất cũng ngày càng đắt lên, như ta đã thấy); và việc bán ra hàng loạt ấy không chỉ là vấn đề sống còn với ông ta, mà còn với cả các đối thủ của ông ta; nên cuộc đấu tranh xưa cũ lại nổ ra, khốc liệt hơn, vì các tư liệu sản xuất mới được phát minh có năng suất cao hơn. Thế nên sự phân công lao động và sử dụng máy móc sẽ lại diễn ra trên một quy mô vô cùng lớn hơn.
Dù các phương tiện sản xuất mới được sử dụng có mạnh đến thế nào, thì cạnh tranh vẫn cố cướp khỏi tay tư bản những quả ngọt bằng vàng của sức mạnh ấy, bằng cách hạ giá của hàng hóa xuống ngang với chi phí sản xuất; cùng với việc sản xuất rẻ đi, tức là việc sản xuất được nhiều hơn với cùng một lượng lao động, thì cạnh tranh cũng làm cho việc sản xuất rẻ hơn, và bán một lượng hàng hóa nhiều hơn với giá thấp hơn, trở thành một quy luật không thể chống lại. Vậy là nhà tư bản chẳng thu được gì từ những nỗ lực của mình, trừ việc buộc phải bán một lượng sản phẩm lớn hơn trong cùng một thời gian lao động; tóm lại là những điều kiện làm tăng giá trị của tư bản của ông ta trở nên khó khăn hơn. Vì thế, trong khi cạnh tranh, bằng cái quy luật của nó về chi phí sản xuất, luôn đuổi theo nhà tư bản, và biến mọi vũ khí mà ông ta làm ra để chống lại các đối thủ thành những thứ chống lại chính ông ta; thì nhà tư bản luôn tìm cách chiến thắng cạnh tranh, bằng cách không ngừng sử dụng các máy móc mới và phân công lao động kĩ hơn; những việc đó tốn kém hơn, nhưng cho phép nhà tư bản sản xuất rẻ hơn, thay vì đợi đến khi cạnh tranh làm cho các biện pháp ấy trở nên lỗi thời.
Bây giờ, nếu hình dung rằng cái tình hình sôi động ấy lan ra toàn bộ thị trường thế giới, thì ta sẽ hiểu được làm thế nào mà sự lớn lên, tích lũy và tập trung của tư bản lại kéo theo sự phân công lao động ngày càng kĩ, việc cải tiến máy móc cũ và sử dụng máy móc mới ngày càng nhiều; một quá trình diễn ra liên tục, gấp rút, sôi động, và trên một quy mô ngày càng lớn.
Nhưng các điều kiện ấy, gắn liền với sự tăng tư bản sản xuất, tác động tới việc quy định tiền lương như thế nào?
Sự phân công lao động mạnh hơn cho phép một công nhân có thể thực hiện công việc của 5, 10, 20 người; cạnh tranh giữa công nhân do đó mà tăng lên 5, 10, 20 lần. Công nhân cạnh tranh với nhau không chỉ bằng cách bán mình rẻ hơn người khác, mà còn bằng cách: một người làm công việc của 5, 10, 20 người; và chính sự phân công lao động, do tư bản thực hiện và thường xuyên cải tiến, đã buộc công nhân phải cạnh tranh với nhau theo cách đó.
Hơn nữa, sự phân công lao động càng tăng thì lao động càng trở nên đơn giản. Sự khéo léo đặc biệt của công nhân thì mất hết giá trị. Anh ta trở thành một sức sản xuất đơn giản, đơn điệu, không có năng lực đặc biệt gì về thể chất hay trí tuệ. Lao động của anh ta trở thành việc mà ai cũng làm được, vì thế mà những kẻ cạnh tranh dồn ép anh ta từ tứ phía. Hơn nữa, hãy nhớ rằng công việc mà càng đơn giản và dễ học thì càng tốn ít chi phí sản xuất; và tiền lương càng thấp, vì cũng như giá của mọi hàng hóa khác, nó cũng được quy định bởi chi phí sản xuất.
Vậy, lao động mà càng làm cho người ta ít thích thú, càng trở nên đáng tởm, thì cạnh tranh càng lớn, và tiền lương càng giảm.
Công nhân tìm cách giữ vững tổng tiền lương của mình bằng việc lao động nhiều hơn: làm nhiều giờ hơn, hoặc sản xuất nhiều hơn trong cùng một giờ. Vậy là bị sự nghèo túng thúc ép, anh ta lại khiến những hậu quả tai hại của sự phân công lao động tăng lên gấp bội. Kết quả là càng làm việc nhiều thì anh ta càng nhận được ít tiền lương. Nguyên nhân đơn giản là thế này: càng làm việc nhiều thì anh ta càng cạnh tranh mạnh với các đồng nghiệp, càng buộc họ phải cạnh tranh với anh ta, và đẩy họ vào điều kiện khốn khổ như anh ta; thế nên rút cục, với tư cách một thành viên của giai cấp công nhân, anh ta cạnh tranh với chính mình.
Máy móc cũng tạo ra tác động như thế, nhưng trên quy mô lớn hơn nhiều. Nó thay những công nhân khéo léo bằng những người ít khéo léo, thay đàn ông bằng đàn bà, thay người lớn bằng trẻ em; ở đâu mà máy móc mới được dùng thì nó ném hàng đống công nhân ra đường, ở đâu mà máy móc được cải tiến và có năng suất cao hơn thì nó loại trừ từng nhóm công nhân một.
Ta vừa phác thảo sơ qua những nét lớn của cuộc chiến công nghiệp giữa các nhà tư bản với nhau. Cuộc chiến này có điểm đặc biệt là sự thắng thua tùy vào việc thải hồi, chứ không phải việc tuyển thêm, đạo quân công nhân. Các tướng lĩnh, tức là các nhà tư bản, ganh đua xem ai loại bỏ được nhiều quân nhân công nghiệp nhất.
Thực ra, các nhà kinh tế học nói với ta là: các công nhân đã trở thành thừa do máy móc, có thể kiếm được việc làm trong các ngành mới.
Họ không dám quả quyết thẳng ra rằng chính các công nhân bị sa thải sẽ có việc làm trong các ngành lao động mới. Sự thật đã lớn tiếng bác bỏ lời nói dối đó. Nói đúng ra thì họ chỉ khẳng định là công ăn việc làm mới chỉ tồn tại với các bộ phận khác của giai cấp công nhân; ví dụ, nhóm công nhân trẻ tuổi, sắp bước vào các ngành công nghiệp đang suy thoái. Dĩ nhiên, đó là niềm an ủi lớn với các công nhân thất nghiệp. Các ngài tư bản sẽ không thiếu thịt và máu tươi để bóc lột - cứ để những kẻ đã chết chôn xác chết của chúng. Điều an ủi đó dường như dành cho các nhà tư bản hơn là các công nhân của họ. Nếu toàn bộ giai cấp những người làm thuê bị máy móc tiêu diệt hết, thì thật đáng sợ cho tư bản, vì không có lao động làm thuê thì tư bản không còn là tư bản nữa!
Nhưng thậm chí nếu ta giả định rằng những công nhân trực tiếp bị thất nghiệp vì máy móc, và toàn bộ thế hệ trẻ đang hi vọng có việc làm trong ngành công nghiệp đó, đều tìm được công việc mới; thì liệu ta có thể tin rằng công việc mới này cũng có mức lương cao như công việc đã mất? Nếu có, thì điều đó mâu thuẫn với các quy luật kinh tế chính trị. Ta đã thấy làm thế nào mà công nghiệp hiện đại luôn có xu hướng thay thế các công việc phức tạp, cao cấp bằng các công việc đơn giản, cấp thấp hơn.
Vậy thì cái khối công nhân, bị máy móc ném ra khỏi một ngành sản xuất, làm sao mà tìm được việc làm ở các ngành khác, trừ khi họ chấp nhận một mức lương thấp hơn?
Một ngoại lệ của quy luật này đã được viện dẫn, cụ thể đó là các công nhân làm trong ngành sản xuất ra chính máy móc. Người ta nói rằng: vì công nghiệp đòi hỏi và tiêu thụ ngày càng nhiều máy móc, nên số máy móc tất yếu phải tăng, vì thế mà việc chế tạo máy móc tăng lên, do đó mà số công nhân trong ngành chế tạo máy tăng lên; mà công nhân ngành đó lại còn là những người lành nghề, có học thức.
Kể từ năm 1840, lời khẳng định này - trước đó thì chỉ đúng một nửa - cũng chẳng còn vẻ gì là sự thật, những máy móc đa dạng nhất cũng đã được dùng trong ngành chế tạo máy, với một quy mô rộng rãi như trong ngành sản xuất sợi bông; so với những máy móc rất hoàn thiện đó, thì các công nhân trong ngành này chỉ có thể đóng vai những cái máy rất không hoàn thiện mà thôi.
Nhưng thay cho một người đàn ông bị máy móc loại ra, thì công xưởng có thể đem lại việc làm cho ba trẻ em và một phụ nữ! Nhưng chẳng phải tiền lương của người đàn ông trước kia cũng đủ để nuôi ba đứa con và người vợ hay sao? Chẳng phải tiền lương tối thiểu là đủ để duy trì và tăng thêm nòi giống hay sao? Vậy thì những câu nói mà giai cấp tư sản yêu thích ấy chứng minh cái gì? Chỉ một điều: giờ đây, để nuôi sống một gia đình công nhân, thì phải có số công nhân gấp 4 lần trước kia.
Hãy tóm tắt: tư bản sản xuất càng tăng thì sự phân công lao động và sử dụng máy móc càng tăng; sự phân công lao động và sử dụng máy móc càng tăng, thì cạnh tranh giữa công nhân càng tăng, và tiền lương của họ càng giảm.
Hơn nữa, giai cấp công nhân cũng được bổ sung từ những tầng lớp cao hơn trong xã hội; rất nhiều người kinh doanh và người thực lợi nhỏ rơi vào hàng ngũ giai cấp vô sản, vì họ chẳng làm được gì khác ngoài việc giơ tay ra xin việc, bên cạnh những cánh tay của công nhân. Cái rừng cánh tay giơ lên xin việc ngày càng rậm rạp, còn bản thân những cánh tay ấy thì ngày càng gầy gò.
Rõ ràng là các nhà công nghiệp nhỏ không tồn tại nổi, trong một cuộc đấu tranh mà điều kiện đầu tiên để thành công là sản xuất trên quy mô ngày càng lớn; nghĩa là phải làm một nhà công nghiệp lớn, chứ hoàn toàn không thể làm một nhà công nghiệp nhỏ.
Khối lượng và số lượng của tư bản càng tăng thì lợi tức của nó càng giảm, thế nên người thực lợi nhỏ cũng mất khả năng sống nhờ vào lợi tức của mình; họ phải nhảy vào công nghiệp, tham gia hàng ngũ các nhà công nghiệp nhỏ, làm tăng con số những kẻ sắp gia nhập giai cấp vô sản. Những cái đó cũng không cần giải thích thêm.
Cuối cùng, do tiến trình đã mô tả ở trên, các nhà tư bản càng bị buộc phải khai thác các tư liệu sản xuất khổng lồ hiện có, trên một quy mô ngày càng lớn, và do đó phải tận dụng mọi đòn bẩy tín dụng; thì những cú động đất công nghiệp càng tăng, trong đó, giới thương mại chỉ có thể tự cứu mình bằng cách đem biếu một phần tài sản, sản phẩm, thậm chí cả những sức sản xuất của chúng, cho những vị thần địa ngục; tóm lại là các cuộc khủng hoảng ngày càng tăng. Khủng hoảng ngày càng thường xuyên và dữ dội chỉ là vì: lượng sản phẩm ngày càng tăng, nhu cầu mở rộng thị trường ngày càng lớn, thì thị trường thế giới ngày càng thu hẹp, và ngày càng có ít thị trường mới để bóc lột; vì mỗi cuộc khủng hoảng trước đã kéo theo những thị trường mới, hoặc ít được khai thác, vào nền thương nghiệp thế giới.
Nhưng tư bản không chỉ sống trên lưng lao động. Như một tên chủ nô quý tộc và dã man, nó mang theo xác các nô lệ của mình xuống mồ; đó là hàng đoàn công nhân bị diệt vong, trong mỗi kỳ khủng hoảng.
Vậy ta thấy rằng: nếu tư bản tăng nhanh thì cạnh tranh giữa công nhân lại tăng lên vô cùng nhanh hơn, tức là công ăn việc làm và tư liệu sinh hoạt của giai cấp công nhân càng giảm mạnh; thế nhưng sự tăng nhanh của tư bản lại là điều kiện thuận lợi nhất cho lao động làm thuê[13].
*Chú thích:
[1] "Với kinh tế chính trị học cổ điển, tôi hiểu rằng môn kinh tế học ấy, từ thời W. Petty, đã nghiên cứu những quan hệ sản xuất thực sự trong xã hội tư sản; trái với kinh tế học thông thường, vốn chỉ xử lý các hiện tượng bề ngoài, nó suy nghĩ không ngừng về những vấn đề mà kinh tế học khoa học đã đưa ra từ lâu; từ đó, nó tìm kiếm lời giải thích hợp lí cho những hiện tượng khó hiểu nhất trong thực tiễn hàng ngày của giai cấp tư sản; nhưng ngoài ra, nó lại tự giam mình vào việc hệ thống hóa một cách mô phạm, và công bố những sự thật hiển nhiên, những quan niệm sáo mòn của giai cấp tư sản tự mãn về thế giới của riêng chúng, thế giới mà chúng coi là tốt nhất trong mọi thế giới" (Karl Marx, "Tư bản", tập I).
[2] "Tư bản", tập I
[3] Engels nhắc tới dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động năm 1891
[4] Phần này đăng trên số báo 264, ra ngày 5 tháng Tư năm 1849. Trong bài báo gốc có ghi "Köln, ngày 4 tháng Tư", đó là địa điểm và thời gian mà Marx viết phần này. Trong các lần xuất bản riêng sau này, phần ghi địa điểm và ngày tháng đó đều không có.
[5] "Các giai cấp trung đẳng" có thể hiểu là tầng lớp tiểu tư sản. Ở bản gốc, cụm từ "đẳng cấp thị dân" được ghi là "giai cấp nông dân".
[6] Trên thực tế, chỉ có phần 1 là được hoàn tất. Phần 2 mới chỉ bắt đầu trong chương cuối "Tác động của cạnh tranh giữa các nhà tư bản tới giai cấp các nhà tư bản, giai cấp trung gian, và giai cấp công nhân", và còn dở dang; còn phần 3 chưa được viết.
[7] "Đồng" ở đây là một từ chỉ đơn vị tiền tệ mà người dịch chọn. Trong mỗi bản dịch ra các thứ tiếng khác nhau, từ này lại được gọi theo những cách khác nhau: bản tiếng Anh dùng chữ "shilling", bản tiếng Pháp dùng chữ "franc", bản tiếng Đức dùng chữ "mark", v.v. Các từ khác dùng để chỉ các đơn vị đo độ dài, khối lượng... cũng được Việt hóa.
[8] Phần này đăng trên số báo 265, ra ngày 6 tháng Tư. Trong bài báo gốc có ghi "Köln, ngày 5 tháng Tư".
[9] Ý nói nhà tư bản.
[10] Phần này đăng trên số báo 266, ra ngày 7 tháng Tư. Trong bài báo gốc có ghi "Köln, ngày 6 tháng Tư".
[11] Phần này đăng trên số báo 267, ra ngày 8 tháng Tư. Trong bài báo gốc có ghi "Köln, ngày 7 tháng Tư".
[12] Phần này đăng trên số báo 269, ra ngày 11 tháng Tư. Trong bài báo gốc có ghi "Köln, ngày 10 tháng Tư".
[13] Trong bài báo gốc, cuối đoạn này là chữ "còn tiếp"