Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương: áp bức dân tộc và thói đạo đức giả của chủ nghĩa đế quốc

Các chính phủ, cả Hoa Kỳ và Anh gần đây đã tung ra một loạt chỉ trích chống lại cách mà Trung Quốc đối xử đối với người Duy Ngô Nhĩ. Thậm chí Hoa Kỳ đã đi xa đến mức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt quan chức nhà nước hàng đầu của Trung Quốc chịu trách nhiệm về khu vực Tân Cương, và hiện truyền thông phương Tây cũng tích cực đưa tin về việc nhà nước Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Theo thông tin từ báo chí tư bản thì hàng trăm nghìn người Duy Ngô Nhĩ đã và đang bị giam giữ trong các trại tù, trong khi những người còn lại phải đối mặt với sự đàn áp khắc nghiệt. Đó không phải là điều gì mới lạ, vậy tại sao lại là lúc này? Tại sao những kẻ đạo đức giả của chủ nghĩa đế quốc phương Tây giờ đây mới đoái hoài tới tình cảnh của người Duy Ngô Nhĩ?


[Source]

Không có gì phải hoài nghi về việc nhà nước Trung Quốc đang tiến hành đàn áp dân tộc đối với người Duy Ngô Nhĩ nhưng những lời chỉ trích đến từ các nước Anh và Hoa Kỳ thật chẳng khác chó chê mèo lắm lông.

Áp bức và phân biệt chủng tộc đã được các đế quốc phương Tây nâng lên thành môn nghệ thuật qua nhiều thế kỷ, không những ở trong nước mà còn trên toàn thế giới. Mối quan tâm thực sự ẩn đằng sau sự quan tâm giả tạo mà họ dành cho người Duy Ngô Nhĩ là sự tối đa hóa lợi nhuận cho mình - với cái giá phải trả từ Trung Quốc, tất nhiên. Hay đơn giản hơn là họ đang sử dụng người Duy Ngô Nhĩ như một quân át để gây áp lực lên Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại đương diễn ra giữa 2 bên.

Nhà tù mở

Người Duy Ngô Nhĩ thực sự là một dân tộc thiểu số bị áp bức, sống ở vùng Tân Cương xa xôi phía tây Trung Quốc. Về mặt sắc tộc, người Duy Ngô Nhĩ là sắc dân Thổ, với một nền văn hóa khác biệt và có ngôn ngữ riêng.

Mặc dù sống trong cái gọi là “Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương”, người Duy Ngô Nhĩ phải chịu đựng một chế độ toàn trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) áp đặt. Quyền thực hành văn hóa của họ bị đàn áp nặng nề.

Người Duy Ngô Nhĩ đã chịu áp bức từ hàng thế kỷ nay. Tuy nhiên, cho đến giữa những năm 2010, thông qua sự cưỡng bức đồng hóa vào nền văn hóa do người Hán thống trị cùng với sự đàn áp tàn bạo từ nhà nước, các chính sách của nhà nước Trung Quốc về cơ bản đã nghiền nát mọi bản sắc dân tộc độc lập của người Duy Ngô Nhĩ.

Trong những năm gần đây, nhà nước Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát đối với văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ. Điều này bao gồm sự hạn chế gắt gao trong việc giảng dạy ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ nơi trường học và cấm bán hầu hết các sách viết bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ. Chỉ cần thể hiện một vài 'hành vi mang tính tôn giáo' đã đủ khiến cho bạn gặp rắc rối, bao gồm cả việc 'để râu dài bất thường' hay đeo mạng che mặt ở nơi công cộng.

Thậm chí so với phần còn lại của Trung Quốc, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã phải chịu sự giám sát gắt gao hơn nhiều từ nhà nước. Việc này được thực hiện thông qua một mạng lưới giám sát chặt chẽ gồm các trạm kiểm soát của cảnh sát, CCTV có thể nhận diện khuôn mặt và thậm chí cả các thiết bị theo dõi trên ô tô và điện thoại. Và theo chương trình 'Hán-Duy Ngô Nhĩ là một nhà', 112.000 đảng viên của ĐCSTQ là người Hán đã được giao cho việc đến thăm các gia đình Duy Ngô Nhĩ để kiểm tra và giám sát họ thường xuyên.

Những người vi phạm thường bị chính quyền đưa vào 'trại cải tạo', hoặc bị kết án tù nặng. Mặc dù các phương tiện truyền thông phương Tây thường lặp đi lặp lại tuyên bố rằng có từ 1 đến 1,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác đã bị đưa đến các trại như vậy chỉ trong vài năm qua. Tuy nhiên, như đã nêu chi tiết ở đây, những tuyên bố như vậy chỉ bắt nguồn từ hai nguồn rất cực hữu và dường như là dựa trên phép ngoại suy từ lời kể của chỉ tám người Duy Ngô Nhĩ. Trên thực tế, số lượng bị giam giữ có thể ít hơn nhiều. Tuy nhiên, sự tồn tại của những trại như vậy không có gì phải bàn cãi bởi chính nhà nước Trung Quốc cũng thừa nhận sự tồn tại của chúng dưới cái tên “trung tâm giáo dục và đào tạo nghề”.

Vấn đề dân tộc của người Duy Ngô Nhĩ

Tại sao đến gần đây Trung Quốc mới tăng cường sự áp bức này? Sẽ không thể hiểu được điều này nếu như trước tiên không tìm hiểu về lịch sử của vấn đề dân tộc ở Tân Cương.

Tân Cương là khu vực trọng yếu đối với giai cấp thống trị ở Trung Quốc, cả về tài nguyên thiên nhiên và vị trí chiến lược như là một cửa ngõ vào Trung Á. Mặc dù khu vực này chủ yếu là sa mạc và núi, nhưng nó có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất Trung Quốc, 40% than và 22% dầu mỏ.

Khu vực này từ lâu đã là một điểm bùng phát của mâu thuẫn sắc tộc. Cũng giống như các quốc gia nhỏ yếu, trong nhiều thế kỷ quyền và lợi ích của người Duy Ngô Nhĩ đã bị các cường quốc lớn hơn chà đạp không thương tiếc.

Di sản của chủ nghĩa Stalin

Từ những năm 1750 khu vực này đã nằm dưới sự cai trị gián tiếp của Trung Quốc, và cho đến năm 1880 nó đã chính thức được sáp nhập vào đế chế Trung Quốc. Sau đó, vào những năm 1920 và 30, khu vực này bị cuốn vào làn sóng cách mạng bao trùm khắp Trung Á sau Cách mạng Nga 1917. Lần lượt, nhiều dân tộc trong khu vực đã đứng lên để chống lại chế độ chuyên quyền, áp bức dân tộc và tôn giáo, cùng chủ nghĩa sô vanh đại Hán.

Tuy nhiên, thay vì hỗ trợ cho các phong trào này, giúp họ lên nắm quyền và gắn kết họ vào với Liên Xô, bộ máy quan liêu Stalinist ở Liên Xô lại thường dùng thủ đoạn để chống lại các phong trào giải phóng dân tộc ở đây. Những người Stalinít sẵn sàng hợp tác với những lực lượng phản động nhất để luôn luôn giữ cho Tân Cương và các lực lượng cách mạng của nó ở trong tầm tay. Cuối cùng, vào năm 1934, những người Stalinít đã ủng hộ một lãnh chúa Trung Quốc tên là Sheng Shicai lên nắm quyền trong khu vực, nhưng từ chối sáp nhập chế độ của ông ta vào Liên Xô.

Chủ nghĩa xã hội là quốc tế hoặc nó không là gì cả. Cách mạng Nga là một ví dụ tuyệt vời về điều này. Tại đây, các dân tộc bị áp bức trong đế quốc Nga đã đoàn kết với giai cấp công nhân Nga trong một cuộc đấu tranh chung để chống lại đế quốc Đại Nga phản động.

Sau Cách mạng Nga, sự thống nhất giai cấp đã nở rộ trên khắp các biên giới quốc gia. Vấn đề dân tộc đã lùi xa và tâm trạng đoàn kết và hợp tác hướng tới một tương lai chung tràn ngập khắp Liên Xô. Xuyên suốt các tác phẩm của Lenin và Trotsky, có thể thấy rõ ràng rằng con đường duy nhất để đến với quần chúng Nga là một cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản trên phạm vi quốc tế. Điều này đã được phản ánh trong tất cả các chính sách của Liên Xô cũng như Quốc tế cộng sản trong những năm đầu thành lập.

Nhưng với sự thoái hóa bên trong Liên Xô và sự trỗi dậy của chủ nghĩa Stalin, tất cả điều này đã bị đảo ngược. Về bản chất, chủ nghĩa Stalin hoàn toàn là chủ nghĩa sô vanh. Mục tiêu của bộ máy quan liêu Xô Viết không phải là cách mạng thế giới, mà là tự bảo tồn chính nó. Trên cơ sở này, tất cả những thứ vớ vẩn xưa kia, sự áp bức, phân biệt đối xử và chủ nghĩa sô vanh phản động của Nga đang từ từ quay trở lại.

Chính trên cơ sở đó, lợi ích dân tộc hẹp hòi của chủ nghĩa Stalin được phản ánh, trong sự phát triển lý thuyết 'chủ nghĩa xã hội ở một nước' của Stalin. Trên cơ sở lý thuyết này, vô số phong trào cách mạng đã bị trật bánh và dẫn đến một kết cục đẫm máu.

Đối với Stalin, số phận của Tân Cương và người dân ở đây chẳng liên quan gì đến đấu tranh giai cấp. Trên thực tế, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự can thiệp của quân đội Liên Xô - tay trong tay với lực lượng Bạch vệ phản động! - trong khu vực trong những năm 30 là để ngăn chặn các cuộc nổi dậy lan sang Liên Xô. Điều này không chỉ phản ánh bản chất phản động của chủ nghĩa Stalin trên phạm vi quốc tế, mà còn phản ánh điều kiện sống của các dân tộc bị áp bức bên trong Liên Xô.

Hơn nữa, Stalin đã dùng Tân Cương như là một sự nhượng bộ cho phe dân tộc tư sản và Quốc dân đảng phản cách mạng (KMT). Chỉ đến năm 1949, khi nhận thấy sự tiến bộ không thể ngăn cản của Cách mạng Trung Quốc, Stalin đã thỏa hiệp với Mao để chuyển giao quyền kiểm soát khu vực này cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) mới thành lập. Không có gì phải nghi ngờ là điều này nhằm một phần là để tránh cuộc cách mạng tràn sang Liên Xô.

Một chính sách quốc tế chân chính của giai cấp công nhân sẽ mang CHND Trung Hoa gia nhập vào đại gia đình Liên Xô trên cơ sở bình đẳng với tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Nhưng thay vào đó, cả hai bộ máy quan liêu đều theo đuổi các chính sách dân tộc chủ nghĩa của riêng mình, cùng với việc xây dựng phạm vi ảnh hưởng riêng. Logic của điều này đã được tiết lộ với sự chia rẽ giữa Trung-Xô vào giữa những năm 1950 và 60.

Dưới thời Mao, Tân Cương không được cai trị trên cơ sở chủ nghĩa quốc tế vô sản. Về cơ bản, chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa Stalin là những hiện tượng giống nhau. Các công nhân và nông dân Trung Quốc đã quét sạch chủ nghĩa tư bản và thành lập một nhà nước công nhân, nhưng cái gọi là bộ máy quan liêu “Cộng sản” đã lên nắm quyền thay vì quần chúng lao động. Trên cơ sở này, trong khi Trung Quốc tiến những bước dài trên nền kinh tế kế hoạch, thì tất cả những đặc điểm phản động của nước Nga thời Stalin cũng đều được nhân rộng ra ở đó.

Đối với người Duy Ngô Nhĩ, điều này có nghĩa là sự tiếp tục cách tiếp cận dân tộc chủ nghĩa một cách thô bạo, trong đó các bộ máy quan liêu của Liên Xô và của CHND Trung Hoa sử dụng vấn đề dân tộc của người Duy Ngô Nhĩ chỉ để tăng cường lợi ích dân tộc hạn hẹp trước mắt của họ.

Đồng thời, khi sáp nhập Tân Cương vào CHND Trung Hoa nhà nước Trung Quốc đã từ chối quyền dân tộc tự quyết cho người Duy Ngô Nhĩ. Nhà nước mới của Trung Quốc sau cuộc cách mạng đã được mô phỏng theo nhà nước Stalin của Nga vào cuối những năm 1940, thay vì các chính sách Bolshevik của Lenin và Trotsky. Một hình thức khu vực tự quản có giới hạn đã được cấp cho khu vực. Tuy nhiên, điều này không mở rộng đến việc trao quyền cho khu vực ly khai khỏi CHND Trung Hoa dẫu người dân của nó có lựa chọn.

Mặc dù Tân Cương được thành lập như một "Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ" vào năm 1955, trên thực tế nó đã được kiểm soát thông qua một tổ chức bán quân sự gọi là Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), còn được gọi là Bingtuan.

XPCC được thành lập vào năm 1954 để tăng cường dân số người Hán ở các khu vực biên giới của nước cộng hòa Trung Quốc, với việc sử dụng những người lính xuất ngũ từ cuộc nội chiến. Nó luôn nằm dưới quyền trực tiếp của ĐCSTQ ở Bắc Kinh, hơn là chính quyền hành chính của Tân Cương. Với bản chất dân tộc chủ nghĩa của bộ máy quan liêu của ĐCSTQ, vấn đề dân tộc ở Tân Cương chưa bao giờ được giải quyết.

Chủ nghĩa hoài nghi

Là một phần của cuộc xung đột Trung-Xô những năm 1960, Liên Xô tích cực thúc đẩy xu hướng ly khai ở Tân Cương, chủ yếu bằng cách thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Duy Ngô Nhĩ, nhưng điều này không liên quan gì tới sự ủng hộ cho nguyện vọng dân tộc của người Duy Ngô Nhĩ. Thay vào đó, đó là một mưu đồ xảo quyệt nhằm tăng cường lợi ích của bộ máy quan liêu Liên Xô bằng cách làm suy yếu nhà nước Trung Quốc - một trong nhiều tội ác của chủ nghĩa Stalin.

Là một phần của chính sách này, Liên Xô tài trợ cho Đảng Nhân dân Cách mạng Đông Turkestan, để bắt đầu một cuộc nổi dậy bạo lực ở Tân Cương vào năm 1968. Chính sách này thực sự đã góp phần gây ra một cuộc xung đột quân sự dọc biên giới Xô-Trung vào năm 1969.

Sau đó, Trung Quốc trong một liên minh với Mỹ đã đóng vai trò hỗ trợ cho lực lượng phản cách mạng Mujahideen của Afghanistan, sau cuộc can thiệp của Liên Xô vào Afghanistan năm 1979. Họ thiết lập các trại huấn luyện cho những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Tân Cương, đồng thời cung cấp vũ khí và kinh phí cho họ. Chính sách của bộ máy quan liêu Trung Quốc dựa trên tiền đề là 'kẻ thù của kẻ thù là bạn', do đó mà nó đã hỗ trợ tất cả các loại lực lượng phản động trên khắp thế giới, từ Afghanistan đến Chile và Angola, trong cuộc xung đột với bộ máy quan liêu Stalinít ở Liên Xô.

Đồng thời, bộ máy quan liêu Trung Quốc đẩy mạnh sự di cư của người Hán vào Tân Cương, để chống lại ảnh hưởng của Liên Xô đối với người Duy Ngô Nhĩ. Năm 1949, người Hán chỉ chiếm 6% dân số Tân Cương, trong khi người Duy Ngô Nhĩ là 75%. Giờ đây, tỷ lệ này là 40% người Hán và 45% người Duy Ngô Nhĩ, mặc dù điều này không đồng đều về mặt địa lý. Người Hán chiếm đa số ở phần phía đông và phía bắc, trong khi người Duy Ngô Nhĩ chiếm đa số (70 đến hơn 95 phần trăm) ở phía nam và phía tây. Người Hán cũng áp đảo ở thành thị.

XPCC đã được sử dụng cho mục đích này. Kết quả là, phần lớn sự phát triển kinh tế trong khu vực đã mang lại lợi ích chủ yếu cho công nhân nhập cư người Hán và bộ máy quan liêu. Phần lớn tài nguyên của khu vực này đã được khai thác để đưa ra khỏi Tân Cương từ phía đông, mang lại ít lợi ích cho người Duy Ngô Nhĩ địa phương.

Điều này dẫn đến sự căm phẫn ngày càng tăng của người Duy Ngô Nhĩ đối với người Hán và cảm giác gia tăng sự áp bức dân tộc. Như Lenin đã giải thích, gốc rễ của vấn đề dân tộc luôn là vấn đề bánh mì - tức là mức sống.

Điểm sôi

Với sự phục hồi dần dần của chủ nghĩa tư bản, sự áp bức dân tộc thiểu số cũng tăng lên. Căng thẳng gia tăng trong những năm 1990, sau một số cuộc tấn công khủng bố nhỏ và các cuộc nổi dậy chống lại người Hán. Đáp lại, nhà nước Trung Quốc tăng cường đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào năm 2009, khi một cuộc ẩu đả nổ ra tại một nhà máy ở miền nam Trung Quốc, trong đó hai người Duy Ngô Nhĩ bị công nhân người Hán giết chết. Một cuộc biểu tình đã được tổ chức ở Urumqi - thủ phủ khu vực Tân Cương - yêu cầu chính phủ điều tra về các vụ giết người.

Mối đe dọa khủng bố từ các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Tân Cương thực sự có thật. Theo ước tính, có khoảng 1.500 người Duy Ngô Nhĩ đã đến chiến đấu ở Iraq và Syria cho Nhà nước Hồi giáo, hoặc các nhóm thánh chiến phản động khác. Và bên trong Tân Cương vẫn còn đó tàn tích cũ của Mujahideen ở Afghanistan, cũng như người Thổ và các lực lượng phản động Trung Á khác.

Tuy nhiên, nhà nước Trung Quốc đã sử dụng vấn đề chủ nghĩa Hồi giáo chính thống và chủ nghĩa khủng bố như một cái cớ để tăng cường các biện pháp áp bức đối với tất cả người Duy Ngô Nhĩ, cũng như giai cấp công nhân Trung Quốc nói chung. Nhưng bằng cách nghiền nát văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ, và bắt cả dân tộc phải chịu trách nhiệm về hành động của một số ít phần tử cực đoan, nhà nước Trung Quốc trên thực tế đang thúc đẩy ngày càng nhiều người Duy Ngô Nhĩ đến với chủ nghĩa chính thống.

Bùng nổ xã hội

Trên thực tế, nhà nước lo ngại về sự bùng nổ xã hội hàng loạt ở Tân Cương hơn là những nhóm nhỏ theo chủ nghĩa chính thống. Với sự lên men ngày càng tăng của tầng lớp lao động khắp Trung Quốc, một phong trào quần chúng ở Tân Cương có thể nhanh chóng lan rộng ra khắp cả nước.

Trung Quốc đã chi nhiều hơn cho 'an ninh nội bộ' hơn là 'phòng thủ bên ngoài' kể từ năm 2010, do cuộc đấu tranh giai cấp và bất ổn ngày càng gia tăng. Bộ máy quan liêu rõ ràng là lo sợ về những bùng nổ xã hội. Với sự tăng trưởng của nền kinh tế đang chậm lại, bộ máy quan liêu đang hướng tới chủ nghĩa dân tộc cho người Hán và gia tăng đàn áp để duy trì sự cai trị của mình.

Bộ máy quan liêu đang sử dụng vấn đề bất ổn của người Duy Ngô Nhĩ và chủ nghĩa khủng bố như một phương tiện để đánh lạc hướng khỏi những vấn đề ngày càng gia tăng mà giai cấp công nhân trên khắp Trung Quốc phải đối mặt. Đó là một chính sách cổ điển chia để trị. Đồng thời, chế độ an ninh toàn trị áp hiện đang áp đặt lên Tân Cương được coi là thử nghiệm cho các phương pháp có thể sẽ được triển khai khắp Trung Quốc, khi cuộc đấu tranh giai cấp nóng lên.

Giai cấp thống trị Trung Quốc không thể để mất quyền kiểm soát Tân Cương. Ngoài việc sở hữu trữ lượng năng lượng khổng lồ, các đường ống dẫn dầu và khí đốt quan trọng cung cấp cho Trung Quốc từ Trung Á đều đi qua đó. Nó có chung biên giới với bảy quốc gia khác, và do đó rất quan trọng đối với việc phát triển Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc - một trụ cột chính của khát vọng đế quốc của Trung Quốc.

Theo Tân Hoa xã, Tân Cương được thiết kế để trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng trong BRI. Một trung tâm vận chuyển hàng hóa ở thủ phủ Urumqi của khu vực hiện đang xử lý 3.600 tấn hàng hóa mỗi ngày. Trung tâm này không chỉ lưu thông tài nguyên thiên nhiên mà còn lưu thông hàng hóa như hàng may mặc và linh kiện điện tử, với sự tham gia của hơn 200 công ty. Bất kỳ mức độ bất ổn nào cũng sẽ khiến việc duy trì và mở rộng các sáng kiến ​​này là không thể, do đó ĐCSTQ đã lựa chọn đàn áp nhanh chóng và rộng rãi.

Sự phát triển của Tân Cương thông qua XPCC cũng được nhà nước Trung Quốc sử dụng để giúp xóa bỏ tình trạng thất nghiệp ở phía đông Trung Quốc. XPCC hiện sử dụng hơn 3 triệu công nhân, 86% trong số đó là người Hán. Với việc nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, điều này được xem là ngày càng quan trọng đối với sự ổn định của chế độ ở Trung Quốc. Ý tưởng là phát triển các khu vực khác của đất nước, các khoản đầu tư khổng lồ đã được đổ vào việc phát triển các thành phố mới ở Tân Cương, dọc theo tuyến đường bộ đến Trung Á và Châu Âu.

Ngoài bộ máy bán quân sự, XPCC cũng có một bộ phận kinh doanh nông nghiệp đáng kể, sản xuất bông và cà chua. Gần đây, XPCC đã bắt tay vào một chương trình cải tạo đất lớn, sử dụng hàng nghìn người Hán để 'khai hoang' và xây dựng trang trại trên các vùng sa mạc. Nhờ vậy sản lượng của XPCC năm 2017 đã tăng lên gấp đôi năm 2013, lên đến 36,7 tỷ đô la - nếu là một quốc gia, nó sẽ xếp thứ 99 trên thế giới về GDP.

Tuy nhiên, trong quá trình 'khai hoang sa mạc', người Duy Ngô Nhĩ thường bị buộc phải rời bỏ đất đai của họ,để nguồn nước có thể được chuyển đến các trang trại của XPCC. Điều này cùng với việc người Hán tiếp tục di cư vào các khu vực truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ ở phía nam và phía tây Tân Cương,đang góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Nước mắt cá sấu

Sự áp bức tàn bạo với người Duy Ngô Nhĩ đã được ghi nhận trong nhiều năm. Vậy tại sao chỉ gần đây chính phủ Mỹ và Anh mới quan tâm đến khu vực này?

Vào ngày 17 tháng 7, chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua 'Đạo luật về Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ năm 2020'. Dự luật yêu cầu các cơ quan nhà nước của Mỹ xác định các quan chức Trung Quốc có liên quan đến "việc bắt giữ, tra tấn và quấy rối tùy tiện" đối với người Duy Ngô Nhĩ, để có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với họ.

Sự đạo đức giả của nhà nước Hoa Kỳ là không gì sánh bằng, khi những quan chức Mỹ liên quan đến việc “giam giữ, tra tấn và sách nhiễu tùy tiện” hàng nghìn người trong cái gọi là 'cuộc chiến chống khủng bố', hẳn sẽ được miễn trừ khỏi điều này, hoặc bất kỳ dự luật nào khác.

Thật vậy, chính nhà nước Hoa Kỳ cũng đã thực hiện giam giữ và quấy rối người Duy Ngô Nhĩ, họ đã gửi 22 người trong số họ đến trại tra tấn của chính họ ở vịnh Guantanamo! Và theo John Bolton - cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - Donald Trump được cho là đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2019 rằng việc xây dựng các trại tập trung để 'giáo dục lại' người Duy Ngô Nhĩ là "điều đúng đắn nên làm".

Hoa Kỳ, kẻ đã xâm lược và chiếm đóng Iraq và Afghanistan một cách tàn bạo trong gần hai thập kỷ, chắc chắn không phải là bạn của các dân tộc Hồi giáo.

Khi nói đến việc giam giữ chính người dân của mình, Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là nước đứng đầu thế giới, cả tuyệt đối và bình quân trên đầu người. Hoa Kỳ có gần 2,3 triệu người, tức là 698/100.000 dân, trong tù. Trong khi Trung Quốc là 118/100.000. Trong khi Hoa Kỳ chỉ chiếm 4,4% dân số thế giới, nó là nơi giam giữ đến 22% tù nhân trên thế giới.

Ai sẽ kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại nhà nước Hoa Kỳ vì việc bỏ tù người thiểu số xuất phát từ sự phân biệt chủng tộc? Mặc dù chỉ chiếm 13% dân số, nhưng người Mỹ đen lại chiếm tới gần 40% nhân số ngồi tù tại Hoa Kỳ, với tỷ lệ giam giữ người da đen cao gấp 5,8 lần người da trắng.

Và ai sẽ đưa ra những đòi hỏi về nhân quyền đối với việc đối xử với những người tị nạn ở biên giới Mexico, nơi các gia đình bị ly tán, và hàng trăm người bị dồn vào các phòng giam trong một tuần liên tục, không có nhà vệ sinh? Hay sự đối xử tàn bạo đối với những người biểu tình, như đã thấy gần đây với phong trào Black Lives Matter?

Khi nói đến tội ác của đế quốc Mỹ ở nước ngoài, danh sách quá dài để nhớ lại. Và nói tơi tội ác của nhà nước Anh thì họ cũng đã phạm tất cả những điều trên, có chăng chỉ ở mức độ nhẹ hơn chút.

Chiến tranh thương mại

Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt được đề xuất đối với các quan chức Trung Quốc không liên quan gì đến mối quan tâm về nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, mà là liên quan đến cuộc xung đột đang phát triển giữa các giai cấp thống trị ở Mỹ và Trung Quốc và cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa họ. Lời đe dọa trừng phạt chỉ là một trong nhiều đòn bẩy được sử dụng để gây áp lực buộc chính phủ Trung Quốc phải tuân theo các điều khoản của Mỹ.

Bản thân dự luật có một điều khoản theo đó Tổng thống Mỹ có thể ngừng thi hành các biện pháp trừng phạt, nếu đó là vì “lợi ích quốc gia” (tức là lợi ích của các doanh nghiệp lớn) của Hoa Kỳ. Nói cách khác, nếu nhà nước Trung Quốc tuân theo các điều khoản thương mại thuận lợi với Hoa Kỳ, họ có thể tiếp tục đối xử với người Duy Ngô Nhĩ theo ý mình.

Giống như số phận của các dân tộc bị áp bức, quyền của người Duy Ngô Nhĩ đang được sử dụng đơn giản như những con bài mặc cả trong các cuộc đấu tranh giữa các cường quốc đế quốc lớn.

Trong nhiều năm, chính phủ Anh đã làm ngơ trước các hành động của nhà nước Trung Quốc ở Tân Cương bởi lúc này Phố Downing đang hết sức cần đầu tư của Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế Anh đang mờ nhạt. Với mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Anh về vấn đề Hong Kong, các Tories, những người có chính sách đối ngoại phụ thuộc vào Washington, giờ đây đã “bất ngờ” phát hiện ra sự áp bức người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Dominic Raab, Ngoại trưởng Vương quốc Anh, đã đi xa hơn khi mô tả các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là một sự "gây rắc rối sâu sắc".

Tuy nhiên, Raab đã dội một gáo nước lạnh vào ý tưởng về các biện pháp trừng phạt, vì theo cách nói của chính ông, ông muốn có một "mối quan hệ tích cực" với Trung Quốc. Nói cách khác, lợi ích của thương mại và đầu tư của Anh được ưu tiên. Không giống như Hoa Kỳ, đế quốc Anh không đủ khả năng để bắt đầu một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc.

Đấu tranh giai cấp

Chúng ta phải phản đối các biện pháp trừng phạt (đe dọa hoặc cách khác) của Anh và Mỹ. Những điều này sẽ không làm giảm bớt sự áp bức mà người Duy Ngô Nhĩ phải đối mặt. Muốn làm vậy, cần phải xóa bỏ chế độ ở Trung Quốc, vốn là gốc rễ của sự áp bức này. Đây là nhiệm vụ của riêng giai cấp công nhân ở Trung Quốc (bao gồm cả công nhân Duy Ngô Nhĩ). Đế quốc Mỹ không phải là bạn của giai cấp công nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, cũng như của bất kỳ nhóm bị áp bức nào.

Chế độ của ĐCSTQ phải bị xóa bỏ trên khắp các vùng của Trung Quốc, và thay thế bằng sức mạnh của những người công nhân chân chính. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua cuộc đấu tranh giai cấp thống nhất giữa giai cấp công nhân và người nghèo, của tất cả các dân tộc ở Trung Quốc.

Do đó, công nhân người Hán phải tích cực đấu tranh chống lại sự áp bức người Duy Ngô Nhĩ, vì một phong trào chia rẽ là một phong trào suy yếu. Những người cộng sản chân chính ở Trung Quốc phải ghi trên biểu ngữ của họ quyền tự quyết của tất cả các dân tộc, nhằm tăng cường khối đoàn kết tự nguyện của giai cấp công nhân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải rõ ràng rằng một nhà nước Duy Ngô Nhĩ độc lập trên cơ sở tư bản chủ nghĩa thực sự là một điều không tưởng. Một quốc gia yếu kém về kinh tế và quân sự, nằm giữa Trung Quốc và Nga, sẽ không thể tự vệ được khi đối mặt với sự can thiệp của các cường quốc đế quốc lớn hơn. Hoặc một loạt các cường quốc trong khu vực có thể tìm cách can thiệp, dẫn đến việc biến Tân Cương thành một khu vực tranh chấp. Chỉ có một liên bang xã hội chủ nghĩa tự nguyện của châu Á mới có thể đảm bảo sự giải phóng thực sự cho tất cả các quốc gia bị áp bức.

Với cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc của chủ nghĩa tư bản trên thế giới đang đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào thế đảo ngược, có lẽ không lâu nữa giai cấp công nhân sẽ đưa cuộc cách mạng đi đúng hướng.