Indonesia: Một bảng đánh giá các cuộc biểu tình phản đối Luật Omnibus

Những cuộc biểu tình và đình công của quần chúng đã bùng nổ trên khắp Indonesia kể từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 10 ngay sau khi Luật Omnibus gây tranh cãi được thông qua: Đó là một loạt những cải cách phản động quan trọng, còn được biết đến là Luật “Vụ nổ lớn”. Ở một loạt các thành phố, hàng chục nghìn công nhân đình công và học sinh bãi khóa, xuống đường trong cuộc đối đầu trực diện với cảnh sát chống bạo động.


[Source]

Đúng với cái biệt danh “Vụ nổ lớn”, Luật Omnibus là một cải cách triệt để nhất từng được chính phủ Indonesia thông qua. Đùng một phát, nó đã sửa đổi đến 79 điều luật và hàng nghìn quy định về lao động, bảo vệ môi trường, luật sử dụng đất, luật nông - lâm nghiệp và đầu tư, v.v… Với mục tiêu là kích thích nền kinh tế Indonesia đang trong tình trạng trì trệ, luật Omnibus có một mục đích thực tế là: mở đường cho tư bản đầu tư nhiều hơn nữa. Do đó mà nó đã rút lại các biện pháp bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trồng rừng và khai thác khoáng sản, loại bỏ bảo hộ lao động, bãi bỏ mức lương tối thiểu ngành, giảm phí bồi thường cho thôi việc, tạo điều kiện hơn cho việc đoạt đất từ nông dân và người bản địa, v.v. Đó là một loạt những cuộc tấn công trên quy mô lớn chưa từng có nhằm vào quần chúng đang mệt mỏi. Lẽ dĩ nhiên, phản ứng theo sau đó cũng là chưa từng có.

Ban đầu Luật dự kiến ​​sẽ được thảo luận tại quốc hội vào ngày 8 tháng 10. Nhưng thông qua các cuộc họp vội vã và không báo trước, chính phủ đã đẩy nhanh chóng việc thông qua nó vào ngày 5 tháng 10. Bằng trò vụng trộm, chính phủ hy vọng sẽ tránh được một cơn bão của biểu tình quần chúng. Nhưng nỗ lực nhằm lừa gạt quần chúng đã không thành công, ngược lại còn đổ thêm dầu vào ngọn lửa giận dữ vốn đã âm ỉ từ lâu.

Công nhân ngay lập tức phản ứng bằng các cuộc vận động quần chúng trong các khu công nghiệp. Các tổ chức công đoàn phát động tổng bãi công trong suốt ba ngày, từ ngày 6 - 8/10. Hàng chục nghìn công nhân ở các thành phố trên cả nước đã xuống đường. Tại một số khu công nghiệp ở Karawang, Sukabumi, Bekasi và Tangerang, cuộc đình công đã chuyển thành sự giận dữ công khai đối với giới chủ nhà máy, những người mà công nhân coi là lực lượng thực sự đứng đằng sau luật này. Một số nhà máy bị cướp phá và cổng nhà máy bị bật tung.

Nhưng một điều khiến chế độ bàng hoàng nhất là sự tham gia triệt để của giới trẻ, cụ thể là học sinh và sinh viên. Đặc biệt là học sinh, mặc dù hầu như không có tổ chức hay lãnh đạo, đã xuống đường ở nơi tuyến đầu trong cuộc biểu tình và dũng cảm đối mặt với sự đàn áp tàn bạo của cảnh sát.

Ở thời điểm bài viết ra đời, các cuộc biểu tình đã lan rộng như cháy rừng trên khắp Indonesia. Xung đột bạo lực xảy ra khắp nơi. Trong suốt ba ngày cảnh bắn hơi cay và các đồn cảnh sát bị đốt cháy tràn ngập TV. Hàng ngàn người trẻ bị đánh đập và ném vào xe cảnh sát. Quy mô, năng lượng và cường độ của những cuộc biểu tình này đã vượt qua hẳn phong trào #reformasidikorupsi (#reformasicorrupt) vào năm 2019.

Trong suốt một năm qua, ngoài đại dịch COVID-19 thì các thảo luận về Dự luật Omnibus đã trở thành tâm điểm chú ý của cả nước. Đối với chính phủ và giai cấp tư sản mà nó đại diện, Omnibus Bill được coi là cách chắc chắn nhất để giữ cho dòng đầu tư và vốn luân chuyển - và cùng với đó là lợi nhuận - trong bối cảnh mà nền kinh tế thế giới đầy bất ổn. Cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới, có tác động kéo dài kể từ năm 2008, đã trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch chính là nền tảng cho sự thông qua Luật Omnibus. Như Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra trong báo cáo của họ về triển vọng Kinh tế Indonesia: “Cần có những điều kiện, thứ sẽ tạo thuận lợi cho sự gia nhập của các công ty mới, điều này liên hệ mật thiết tới việc giải quyết vấn đề đầu tư dài hạn. Vấn đề này chính phủ có thể khắc phục thông qua Dự luật Omnibus”.

Tuy nhiên, đối với quần chúng lao động, công nhân, nông dân và cộng đồng bản địa, Luật Omnibus chỉ có nghĩa là một mức sống ngày càng tồi tệ hơn, bởi chắc chắn rằng lợi nhuận của nhà tư bản luôn tỷ lệ nghịch với phúc lợi của quần chúng lao động. Nào có thể khác được. Nếu các nhà tư bản không chịu trả giá cho cuộc khủng hoảng này, thì sẽ chính là nhân dân lao động phải gánh chịu những chi phí đó.

Sự bùng nổ các cuộc biểu tình chống Omnibus cũng trở thành một lối mở cho nỗi bất bình chung của người dân về những điều kiện kinh tế và xã hội ngày càng bất ổn. Thanh niên, cái phong vũ biểu nhạy cảm nhất của xã hội, dễ dàng phản ánh tâm trạng chung của xã hội, và đây là lý do họ xuống đường. Chính phủ và giới truyền thông sững sờ: tại sao cái đám thanh niên mới nứt mắt ra lại xuống đường để phản đối Luật Omnibus, thứ chẳng mảy may ảnh hưởng đến chúng? Nhưng những người trẻ này là ai? Họ là con của những công nhân, nông dân, của quần chúng lao động khốn cùng, những người đang hàng ngày phải nghe những tiếng thở dài não nề của cha mẹ chúng. Và chính họ một ngày nào đó cũng sẽ trở thành những người như cha mẹ họ.

Như thường lệ, giai cấp thống trị luôn đổ lỗi cho các thành phần trí thức đứng sau các cuộc biểu tình quần chúng. “Chính phủ biết những người biểu tình là ai, chúng tôi biết ai đứng sau họ, ai đã tài trợ cho họ. Chính phủ biết các tác nhân trí thức đã đứng sau những cuộc biểu tình này”, Airlangga, chủ tịch Đảng Golkar, đã nói vậy đấy. Giai cấp thống trị đã quen coi và đối xử với quần chúng như những con trâu dễ bị dắt mũi do đó mà chẳng thể nào hình dung được khả năng của họ để đứng lên độc lập chống lại những bất công mà họ phải chịu đựng. Trên thực tế, một điểm nổi bật của các cuộc biểu tình tuần trước là sự vắng mặt của đám “nhân vật trí thức”, tức là sự vắng mặt của lãnh đạo. Điều này được xác nhận một cách vô tình bởi chính Airlangga, người thừa nhận đã bị sốc trước phong trào toàn quốc này vì ông nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của bốn liên đoàn công đoàn lớn đã ủng hộ Luật Omnibus.

Từ các cuộc phỏng vấn tại hiện trường với những thanh niên này, điều rõ ràng là cái họ phản đối không phải là Luật Omnibus. Hầu hết trong số họ không biết nội dung chi tiết của nó. Những gì mà những người trẻ tuổi đang chống lại là toàn bộ tinh thần chứa đựng trong Luật Omnibus: Thói cai trị độc đoán của chính phủ và sự vô cảm của nó đối trước cảnh khốn cùng của nhân dân.

Sự tự phát của những người trẻ đã mang lại một năng lượng bùng nổ cho phong trào, phá hủy ngay lập tức mọi thói quen và sức ì trong phong trào. Không thể phủ nhận rằng, trong năm qua, phong trào chống lại Dự luật Omnibus đã bị đình trệ, với các cuộc biểu tình thường lệ mà không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với giai cấp thống trị. Đây là lý do tại sao chính phủ rất tự tin rằng họ có thể thông qua dự luật, khi mà thậm chí chưa có một thành viên quốc hội nào có bản sao của dự thảo cuối cùng.

Năng lượng tự phát của những người trẻ tựa như một làn gió mới thổi vào phong trào. Mặt mạnh nhất của tính tự phát là khả năng phá vỡ sức ì và lớp vỏ của bộ máy quan liêu vốn thường là rào cản cho sự vận động. Tính tự phát của quần chúng cũng đóng vai trò là một yếu tố làm chính quyền bất ngờ và khiến họ chao đảo lúc đầu. Nhưng mặt mạnh nhất này có thể nhanh chóng biến thành mặt yếu nhất của nó. Một khi chế độ giành lại được chỗ đứng và huy động bộ máy đàn áp có tổ chức của mình, những thanh niên này, mặc dù dũng cảm, bị giáng một đòn nặng nề buộc họ phải thoái lui. Sự đàn áp sớm ập đến với họ, với những vụ bắt giữ hàng loạt của cảnh sát phối hợp với côn đồ và các phần tử lưu manh phản động. Nếu không có tổ chức, sự lãnh đạo và một chương trình hành động rõ ràng, năng lượng tự phát này chóng tan biến vào thinh không và không đủ sức chịu đựng cũng như duy trì liên tục cuộc đấu tranh với cường độ ngày càng cao.

Tuy nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi cho những sinh viên trẻ này vì hành động tự phát của họ cũng như sự thiếu vắng tổ chức, lãnh đạo và một chương trình đấu tranh rõ ràng. Trách nhiệm này cùng với thất bại trong việc ngăn cản sự thông qua của đạo luật này thuộc về giới lãnh đạo cải cách trong phong trào công nhân. Thực tế như chính chủ tịch Đảng Golkar đã thừa nhận là lãnh đạo của bốn liên đoàn lao động lớn nhất cả nước đã thông qua Luật Omnibus. Không ngoại trừ cả Said Iqbal từ KSPI, liên đoàn đã kêu gọi một cuộc tổng đình công kéo dài ba ngày. KSPI, KSBSI, KSPSI, Sarbumusi và nhiều công đoàn khác đã lãng phí cả thời gian và sức lực của mình trong năm qua chỉ để vận động chính phủ, thay vì chuẩn bị chiến đấu cho các thành viên của họ. Kết quả của hoạt động vận động hành lang mới nhất của KSPI và KSPSI, những người được chính phủ mời tham gia Nhóm xây dựng vào tháng 8 là gì? Giơ đầu chịu báng thay chính phủ.

Lời kêu gọi sau đó của ban lãnh đạo KSPI cho một cuộc tổng đình công cũng chỉ là để giữ thể diện. Một cuộc đình công toàn quốc được kêu gọi mà không có bất kỳ sự chuẩn bị nào chắc chắn sẽ thất bại. Nó giống như cố gắng châm ngòi cho một thùng thuốc súng đã bị ẩm. Iqbal nói rằng 2 triệu công nhân đã đình công trong vòng ba ngày. Nhưng trên thực tế, nó không có hiệu quả gì trong việc ngừng sản xuất. Tại nhiều nhà máy, các công đoàn viên được đề nghị đến sớm hơn ngày thường để có thể tập trung trước cổng nhà máy, chụp ảnh và rồi sau đó lại quay trở lại làm việc. Đình công chỉ được thực hiện bởi nhân viên làm việc ca khác, hoặc đổi ngày, có khi họ phải làm thêm vào ban đêm để bắt kịp thời gian đã mất; có nơi cuộc đình công chỉ được “đại diện” bởi một hoặc hai thành viên của lãnh đạo công đoàn, trong khi các thành viên bình thường được yêu cầu tiếp tục làm việc. Trong một số nhà máy nơi mà đình công thực sự diễn ra, hầu hết là kết quả của sáng kiến ​​trực tiếp từ cơ sở trong khi lãnh đạo công đoàn lại thành viên đá cản đường. Với một cuộc đình công quốc gia như vậy, không có gì lạ khi chính phủ và các nhà tư bản có thể yên tâm mà làm ngơ.

Hết lần này tới lần khác, các nhà lãnh đạo lao động này đã đe dọa sẽ tổ chức các cuộc biểu tình lớn với hàng trăm nghìn công nhân tham gia hoặc một tổng đình công trên cả nước của hàng triệu công nhân. Nhưng mối đe dọa như vậy đã được chứng tỏ là trống rỗng ngay cả ở những thời điểm quyết định. Giai cấp thống trị chưa một lần cảm thấy bị đe dọa. Như Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Panjaitan đã từng phát biểu khi đối diện với lời đe dọa này: "Tất cả chỉ là nói!" Chính những người trẻ tuổi trong những ngày 6 tới 8 tháng 10 đã đứng lên và buộc cả nước phải quan tâm nghiêm túc đến vấn đề Luật Omnibus.

Iqbal cho biết, trong một tuyên bố trên phương tiện truyền thông xã hội Suara FSPMI nhằm kết thúc cái gọi là "cuộc đình công toàn quốc" kéo dài ba ngày đã nói rằng "cuộc đấu tranh này sẽ tiếp tục, thông qua đấu tranh pháp lý cũng như đấu tranh theo hiến pháp." Tuy nhiên chẳng phải chính phủ đã thông qua luật dựa trên trình tự tư pháp và cơ sở Hiến pháp, còn gì để đấu tranh nữa. Các nhân viên dưới cơ sở ngay lập tức phản ứng gay gắt:

“Thông qua MK sẽ không thể giành chiến thắng, điều đó đã được chứng minh. Nhiều con chó đã có xương để gặm. Chúng ta cần một cuộc cách mạng."

“MK? Vô dụng, chúng ta cần lật đổ tổng thống, chiếm tòa nhà quốc hội và dinh tổng thống ”.

“Chúng ta sẽ không chiến thắng nhờ hiến pháp, Luật KPK là một bài học (năm ngoái, chính phủ đã thông qua luật làm suy yếu KPK, một thể chế để chống tham nhũng ở Indonesia).”

“Chúng ta cần noi gương Hồng Kông và Mỹ, làm luôn trong hơn một tháng.”

“Đã ướt một cách vô lý thì tắm luôn, có đưa ra pháp luật thì chắc chắn cũng không thắng vì kẻ thực thi pháp luật sẽ đứng về phía ai có tiền”, v.v...

Người lao động rõ ràng có bản năng giai cấp sắc bén hơn là các nhà lãnh đạo công đoàn của họ. Qua kinh nghiệm bản thân họ nhận ra rằng các luật hiện hành không hơn gì là luật của giai cấp thống trị. Luật pháp chỉ là một tờ giấy mà giá trị của nó được quyết định bởi tương quan của các lực lượng giai cấp.

Đáng hổ thẹn hơn nữa là sự nhấn mạnh của Iqbal ở cuối tuyên bố gửi tới công nhân rằng “đừng nên tham gia vào các hành động vô chính phủ và kiên định với con đường hiến pháp”. Nó như sự phỉ báng lại lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người trẻ tuổi, những người đã bước lên và sát cánh cùng người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự bạo ngược của chính phủ. Những gì cần được thảo luận không phải là "các hành động vô chính phủ", mà là hạ bệ chính phủ và đám hoạt náo viên của bọn họ. Những gì cần phải lên án ngay lập tức là sự tàn bạo của cảnh sát đối với những thanh niên này, những vụ bắt bớ hàng loạt trái phép đối với hàng nghìn người biểu tình. Bạo loạn là ngôn ngữ duy nhất của những người đã bị chính quyền phớt lờ và bịt miệng.

Những gì chúng ta cần là một tổ chức công nhân sẵn sàng chiến đấu. Muốn vậy, các kênh dân chủ trong các tổ chức của người lao động phải được mở ra càng nhiều càng tốt. Tổ chức các cuộc biểu tình và diễn thuyết tự do tại mỗi nhà máy để mọi công nhân ở cơ sở tham gia xác định các bước cần thực hiện để chống lại Luật Omnibus. Thành lập các ủy ban đình công ở mỗi nhà máy để bắt đầu cho công việc chuẩn bị đình công, lôi kéo sự tham gia của công nhân ở cơ sở. Mệnh lệnh tấn công từ bên trên không bao giờ có thể chạm tới đáy khi những người ở phía trên luôn tràn đầy hoài nghi và miễn cưỡng chiến đấu. Cuộc chiến chống lại Luật Omnibus không chỉ là cuộc chiến bên ngoài chống lại chính phủ, mà còn đặc biệt là cuộc đấu tranh bên trong chống lại cái vỏ quan liêu của bộ máy lãnh đạo, thứ đã trở thành trở ngại lớn nhất cho thắng lợi của công nhân.

Các sinh viên cũng phải bắt đầu được tổ chức để năng lượng tuyệt vời của họ có thể tiếp tục bùng cháy thay vì tan biến. Sự hình thành các liên đoàn sinh viên trong mỗi trường học, được liên kết với nhau thông qua mạng lưới cấp khu vực và trên toàn quốc, đồng thời liên kết chặt chẽ với các tổ chức công đoàn. Xây dựng ý thức tổ chức và đấu tranh chống lại sự bất công càng sớm càng tốt. Khi năng lượng tuyệt vời này được kết hợp với các kỹ năng tổ chức và lý thuyết cách mạng, không khó để tưởng tượng những gì mà những sinh viên này có thể đạt được.

Các cuộc biểu tình đầy tính chiến đấu tuần trước sẽ ngày càng phổ biến trong tương lai. Chính phủ có thể cảm thấy nhẹ nhõm vì đã dập tắt thành công đám cháy tuần trước, ngăn nó lan ra rộng hơn. Nhưng căn nguyên dẫn đến làn sóng biểu tình tuần trước, những nỗi quẫn bách của quần chúng, vẫn chưa được giải quyết. Hàng tỷ rupiah đã được chi ra để thuyết phục người lao động rằng Luật Omnibus sẽ mang lại lợi ích cho họ, nhưng quy luật sắt của kinh tế chính trị sẽ tiếp tục duy trì chân lý của nó: rằng lợi ích của tư bản và lợi ích của nhân dân lao động là không thể thỏa hiệp; Để tư bản sinh sôi thì nó phải thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và xương máu của nhân dân lao động. Đó là vì sao mà Luật Omnibus được thông qua, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới chưa có hồi kết. Lửa vẫn còn trong trấu và sẵn sàng bùng cháy bất cứ lúc nào.

Join us

If you want more information about joining the RCI, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.